Công dụng đối với sức khỏe của hạt hẹ

Theo y học cổ truyền, hạt hẹ cay nồng, vị ngọt, tính ấm, công dụng của hạt hẹ là bổ gan và thận. Bên cạnh đó, kết quả phân tích thành phần hóa học còn cho thấy hạt hẹ có chứa dầu, chất xơ, đạm, các vitamin B1, B2, B3 và khoáng chất như Sắt, Kẽm, Canxi.
03/03/2024 16:31

Đặc điểm

Hẹ (tên khoa học: Allium tuberosum, thuộc họ hành Alliaceae) còn có các tên gọi khác như Cửu, Cửu thái, Dã cửu, Chung nhũ, Khởi dương thảo (hạt hẹ gọi là cửu tử, cửu thái tử)…

Cây hẹ là một loại rau có lá dẹp, mọc từ gốc, dài khoảng 20 – 25 cm với mùi hơi hăng, vị cay the nhẹ, được dùng khá phổ biến trong đời sống ẩm thực hàng ngày. Hoa hẹ màu trắng với cán hoa dài khoảng 20 – 30 cm. Quả hẹ thuộc dạng quả nang, hình trái xoan ngược với các hạt nhỏ màu đen.

Công dụng của cây hẹ

Lá hẹ chứa các chất dinh dưỡng như đường, chất xơ, vitamin A, C, B1, B2, B3, Kẽm… được xem là phù hợp với những người bị xơ cứng động mạch và bệnh tim mạch vành. Ăn hẹ giúp tan đàm, giải độc và giảm đau ngực, nôn ra máu, đồng thời được xem là tốt cho phổi, thận, giúp trợ dương (mặc dù lá hẹ không chứa hoạt chất kích thích tình dục). Ngoài ra, lá hẹ còn giúp nhuận tràng, điều trị táo bón và ngăn ngừa ung thư ruột… Vị hăng cay và tinh dầu dễ bay hơi có trong rau hẹ cũng giúp giảm nôn, tăng cường tiêu hóa, làm lưu thông máu và tan máu bầm…

Theo Tạp chí Sinh lý học Pakistan (Pakistan journal of Physiology), kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm được bổ sung chiết xuất từ hẹ với liều lượng 2 gam/kg trọng lượng cơ thể cũng thấy biểu hiện hạ đường huyết đáng kể.

he

Hạt hẹ. Ảnh: Caythuoc.org

Một số bài thuốc từ rau cây hẹ

Điều trị chứng ngực đau nhói như bị dùi đâm (ngửa lên cúi xuống không được): Nhổ 5 nắm rau hẹ tươi còn rễ, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.

Họng viêm sưng nặng gây đau, khó nuốt: Lấy một nắm lá hẹ, rửa sạch, hơ cho nóng mềm rồi đặt vào trước cổ, dùng vải buộc rịt cố định lại, khi lá nguội thì gỡ ra bỏ và tiếp tục lấy lá khác hơ nóng đắp lên (thực hiện vài lần sẽ hết sưng đau).

Đau bụng kinh: Lấy một nắm rau hẹ có cả gốc, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước cốt hòa vào một chén rượu rồi uống sẽ giảm đau.

Sưng đau mưng mủ đầu ngón tay và hổ khẩu tay (chín mé, càng cua): Lấy một nắm rau hẹ có cả rễ, rửa sạch, giã nát rồi xào với rượu và chườm lên chỗ đau.

Công dụng của hạt hẹ (cửu thái tử)

Theo y học cổ truyền, hạt hẹ cay nồng, vị ngọt, tính ấm, công dụng của hạt hẹ là bổ gan và thận. Bên cạnh đó, kết quả phân tích thành phần hóa học còn cho thấy hạt hẹ có chứa dầu, chất xơ, đạm, các vitamin B1, B2, B3 và khoáng chất như Sắt, Kẽm, Canxi.

Công trình Hải thượng y tông tâm lĩnh có ghi nhận công dụng điều trị niệu huyết (tiểu ra máu và đau trong đường tiểu), mộng tinh, di tinh (ở nam) và bạch đới (ở nữ) cùng các chứng đau, tê.

Theo Tạp chí Dân tộc học (Journal of Ethnopharmacology), kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm (chuột đực) cũng cho thấy chiết xuất từ hạt hẹ thể hiện rõ khả năng kích thích tình dục.

Có thể thấy, hạt hẹ từ lâu đã được dùng để điều trị xuất tinh sớm: Lấy khoảng 4 – 5 đồng cân hạt hẹ (1 đồng cân = 3,75g) sắc thật đặc, uống khi còn ấm nóng, ngày uống 3 lần, uống liên tiếp 3 ngày. Ở Trung Quốc, hạt hẹ còn được dùng để điều trị liệt dương, di tinh, tiết niệu không kiểm soát, đau lưng, đau đầu gối… với liều dùng từ 3 – 9g.

Lưu ý

Ăn nhiều lá cây hẹ có thể gây khó tiêu, ợ chua, hôi miệng, hơi thở và cơ thể nặng mùi. Bên cạnh đó, nên tránh dùng hẹ vào mùa hạ và dùng nhiều hẹ trong thời gian dài sẽ làm thần khí u mê.

Hẹ rất kỵ với mật ong và thịt trâu. Bên cạnh đó, không nên dùng hẹ cùng lúc với sữa vì sẽ làm cản trở sự hấp thụ can xi trong ruột.

Những người bị âm hư hỏa vượng không nên dùng hẹ, những người bị lở loét, rối loạn nhiệt và mắc bệnh về mắt không nên dùng hẹ.

Nước ép từ hẹ hơi khó uống và có thể gây chóng mặt.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer