Công dụng làm thuốc của cây cẩm địa la

Cây cẩm địa la còn được gọi là cây ngải máu, cây này không cao như các loài khác thuộc họ gừng (thường chỉ cao 40 cm trở lại). Đặc biệt, cây cẩm địa la có rất nhiều củ to, tròn tròn như trứng nhưng không đều nhau và đây cũng là bộ phận được dùng làm thuốc của cây.
20/05/2024 17:22

Cẩm địa la điều trị bệnh gì?

Rễ củ của cây cẩm địa la có tên khoa học là Rhizoma Kaempferiae Rotundae, chứa nhiều tinh dầu và thường được nhổ vào mùa đông xuân.

Sau khi nhổ thì ta rửa sạch, thái thành từng miếng mỏng rồi phơi khô. Hiện nay, ở nước ta, cây này chưa phổ biến lắm, thường chỉ thấy mọc nhiều ở TP. Hồ Chí Minh và Kon Tum.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi (trong quyển Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1) thì củ cẩm địa la có mùi thơm đậm, vị cay nồng, hơi hăng và đắng. Về công dụng thì nó có tính bình và được dân gian nhiều nơi dùng với nhiều công dụng như:

- Cầm máu, bổ huyết.

- Điều trị đại tiện ra máu.

- Điều hòa kinh nguyệt, điều trị hành kinh loạn kỳ và đau bụng do bế kinh.

- Điều trị máu xấu, kinh ít, người gầy sạm.

- Điều trị đau dạ dày, giúp giảm đau, tiêu thũng.

- Giúp giải độc, dùng cho trường hợp sơn lam chướng khí, ngộ các loại độc và đau xương.

- Làm thuốc lợi tiêu hóa.

Cách dùng: Sắc lấy nước uống từ 6 – 13g mỗi ngày (nếu tán bột rồi uống thì chỉ dùng 4 – 8g bột thuốc mỗi ngày, hòa với nước cơm, đợi bớt nóng rồi uống). Ghi chú: Nước cơm là nước chắt ra khi nồi cơm gần chín.

Dùng ngoài da: Củ cẩm địa la còn được dùng làm thuốc ngoài da để giúp tiêu sưng, giảm viêm và hỗ trợ điều trị quai bị… (bằng cách dùng củ tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên).

camdiala

Cây cẩm địa la (Ảnh: Caythuoc.org)

Thông tin thêm

Cây cẩm địa la có tên khoa học là: Kaempferia rotunda, thường mọc hoang dưới tán rừng hoặc những nơi ẩm ướt. Ngày nay, nhiều nơi cũng trồng cây này để làm thuốc hoặc trồng như một loại cây cảnh (vì hoa của nó đẹp và thơm).

Điều khá thú vị là củ và lá non của cây cẩm địa la có thể chế biến để làm thức ăn, tuy nhiên, ngày nay ít ai ăn củ mà chủ yếu lấy củ để làm thuốc (hoặc dùng để làm mỹ phẩm vì củ này khá thơm).

Các nghiên cứu về cây cẩm địa la

Thành phần tinh dầu: Theo kết quả nghiên cứu thì tinh dầu từ thân rễ (củ) cẩm địa la có chứa các thành phần như: benzyl benzoate (69.7%, 20.2%), n-pentadecane (22.9%, 53.8%) và camphene (1.0%, 6.2%)….

Hoạt tính chống côn trùng: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanol từ thân rễ cây cẩm địa la có chứa các hoạt chất giúp chống lại côn trùng, cụ thể là ấu trùng bướm đêm Spodoptera littoralis.

Hoạt tính kháng nấm: Theo Tạp chí Journal of Pharmaceutical Sciences and Community, tinh dầu từ thân rễ (củ) của cây cẩm địa la có chứa các hoạt chất giúp chống lại sự phát triển của nấm Candida albicans.

Hoạt tính giảm đau: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất ethanol từ thân rễ của cây cẩm địa la có chứa các hoạt chất giúp giảm đau và chống viêm đáng kể (và ít gây tác dụng phụ).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer