Công dụng làm thuốc của cây viễn chí đuôi vàng

Trong y học cổ truyền, cây viễn chí đuôi vàng được dùng như một vị thuốc bổ giúp kích thích sự tuần hoàn trong cơ thể và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, ngoài công dụng này, viễn chí đuôi vàng còn điều trị được nhiều bệnh thường gặp như viêm gan, viêm thận, thiếu máu…
08/04/2024 20:29

Phân biệt

Cây viễn chí đuôi vàng trong bài viết này khác với cây viễn chí (Polygala chinensis), cây viễn chí hoa vàng (Polygala arillata), viễn chí hoa nhỏ (Polygala arvensis), viễn chí lá liễu (Polygala persicariaefolia) và viễn chí lá nhỏ (hay còn gọi là cây dầu nóng, Polygala paniculata).

Cây viễn chí đuôi vàng còn được gọi là cây bổ béo tía, khác với cây bổ béo đen (tức sâm bảo ngọc) và cũng khác với cây bổ béo trắng.

Vài nét về cây viễn chí đuôi vàng (bổ béo tía)

Cây viễn chí đuôi vàng (hay còn gọi là bổ béo tía) có tên khoa học là Polygala aureocauda, thuộc họ Viễn chí.

Đây là loại cây nhỡ rụng lá và cao chưa tới 3m, thân có màu vàng xám. Lá cây viễn chí đuôi vàng có hình giáo dài, nhọn và có thể dài đến 14 cm, mặt lá nhẵn, không có lông. Hoa của cây mọc thành cụm, có màu vàng. Hạt của cây có màu đen và có lớp lông dày màu trắng.

Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ và lá là hai bộ phận thường được dùng làm thuốc của cây. Thông thường, người ta thu hái vào mùa hè thu, sau đó rửa sạch và phơi khô (riêng lá thì phơi âm can).

vienchi

Cây viễn chí đuôi vàng (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng làm thuốc của cây viễn chí đuôi vàng

Theo y học cổ truyền thì viễn chí đuôi vàng có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, có tính bình và thường được dùng trong các trường hợp như:

- Giúp lợi tiểu.

- Giúp điều hòa kinh nguyệt.

- Giúp phục hồi sức khỏe sau khi suy nhược (vì bệnh tật).

- Điều trị thiếu máu.

- Điều trị đau lưng, mỏi gối.

- Điều trị viêm gan.

- Điều trị viêm thận và phù thũng.

- Điều trị khí hư ở nữ giới.

- Điều trị sa tử cung.

Liều lượng: Mỗi ngày, lấy từ 15 đến 30g rễ và lá cây, nấu lấy nước uống. Riêng với trường hợp viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính, ta dùng 10g đến 15g rễ cây, nấu lấy nước uống (nếu không dùng rễ thì dùng lá nhưng hái lá tươi, sắc lấy nước uống từ 60 đến 150g mỗi ngày).

Ngoài ra, khi bị té ngã, bị thương chảy máu ngoài da thì ta cũng có thể hái cành lá tươi, giã nát rồi đắp lên.

Bài thuốc kết hợp:

Cây viễn chí đuôi vàng có thể điều trị thiếu máu. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao hơn, dân gian thường kết hợp viễn chí đuôi vàng cùng các vị thuốc khác để hỗ trợ lẫn nhau. Trong số đó, có thể kể đến bài thuốc sau:

Thành phần: Viễn chí đuôi vàng (30g), đẳng sâm (30g) và kê huyết đằng (30g).

Cách dùng: Nấu lấy nước uống trong ngày.

Các nghiên cứu về cây viễn chí đuôi vàng

Tác dụng hạ mỡ máu: Theo Tạp chí Phytotherapy research, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy Reinioside C – một saponin triterpene được chiết xuất từ rễ cây viễn chí đuôi vàng có tác dụng giảm mỡ máu, đồng thời cũng làm giảm các tổn thương oxy hóa.

Tác dụng chống viêm: Theo Tạp chí Vietnam Journal of Chemistry, kết quả nghiên cứu in vitro cho thấy chiết xuất methanol từ rễ cây viễn chí đuôi vàng còn chứa hoạt chất chống viêm.

Thông tin thêm

Ở nước ta, cây viễn chí đuôi vàng mọc chủ yếu trong các khu rừng thưa ở Lào Cai. Ở Trung Quốc, cây mọc ở nhiều tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Vân Nam, Phúc Kiến… 

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer