Công dụng làm thuốc của hoàng dược tử

Hoàng dược tử không phải là tên của một loại chế dược, cũng không phải tên của một loại hạt giống mà là tên để chỉ phần củ của cây khoai dái (hay còn gọi là khoai trời).
13/03/2024 15:01

Trong dân gian, người ta thường dùng lá và củ của cây này khi bị rắn cắn và trong y học cổ truyền, củ khoai dái cũng được dùng làm thuốc với tên gọi là “hoàng dược tử” (dái củ mọc từ nách lá cũng được dùng làm thuốc với tên gọi “hoàng độc linh dư tử”).

Vài nét về cây khoai dái

Cây khoai dái có tên khoa học là Dioscorea bulbifera, thuộc họ Củ nâu.

Ở Việt Nam, khoai dái còn được gọi là khoai trời, củ dại… còn ở Trung Quốc thì được gọi bằng nhiều cái tên như: Hoàng dược, hoàng dược tử, hoàng độc, linh dư thự, mộc dược tử, đại khổ,...

Đặc điểm: Khoai dái thuộc dạng dây leo như dây khoai ngọt, có rễ củ gọi là hoàng dược tử (bên trong củ có màu vàng hoặc màu kem) và cũng có nhiều dái củ tròn tròn ở nách lá được gọi là hoàng độc linh dư tử. Lá cây có hình trái tim.

hoangduoc

Hoàng dược tử (Ảnh: Caythuoc.org)

Cách dùng lá và củ khoai dái sơ cứu khi bị rắn cắn

Theo kinh nghiệm dân gian, khi không may bị rắn cắn, ta có thể sơ cứu bằng cách hái lá cây khoai dái tươi, nhai nát rồi đắp lên chỗ rắn cắn. Với phần củ, ta đào lên, dùng tươi, cắt mỏng thành từng lát dày 0,5 cm rồi nhai 3 lát và nuốt (thực hiện 3 lần trong ngày).

Ghi chú: Nếu không dùng lá khoai dái thì ta có thể dùng củ của nó (theo cách như trên), chỉ nhai rồi nuốt lấy nước (còn phần xác thì đắp lên chỗ bị rắn cắn); sau đó đưa đến trạm y tế gần nhất để chẩn đoán thêm. Ngoài ra, cách dùng trên cũng có thể áp dụng để sơ cứu khi bị chó dữ cắn.

Công dụng làm thuốc của hoàng dược tử

Theo y học cổ truyền, hoàng dược tử có vị đắng, tính hàn và có các công dụng sau:

- Điều trị bướu giáp.

- Điều trị chảy máu cam.

- Điều trị chảy máu tử cung.

- Điều trị ho ra máu.

- Điều trị loét dạ dày.

Liều lượng: Mỗi ngày lấy từ 10 – 15g củ, nấu lấy nước uống.

Bên cạnh đó, với trường hợp bong gân, ta có thể dùng tươi hoàng dược tử và thất diệp nhất chi hoa, liều lượng bằng nhau, đem giã nát rồi đắp lên chỗ bị bong gân.

Cách dùng củ hoàng dược tử điều trị bướu giáp

Công dụng đáng chú ý nhất của củ khoai dái đó là điều trị bệnh bướu giáp (Căn bệnh khó điều trị mà nhiều bệnh nhân mắc phải).

Chuẩn bị: Củ khô thái lát 200g, 1 lít rượu gạo loại 35 độ, bình thủy tinh 1 bình

Thực hiện: Lấy 200ml củ khô ngâm hết với 1 lít rượu gạo, thời gian ngâm trong khoảng 1 tuần trở lên là dùng được. Khi rượu đã ngâm đủ thời gian, đem chắt hết rượu trong bình ra, chia đều để uống hết trong khoảng 10 ngày, rượu uống sau bữa ăn khoảng 5 phút.

Lưu ý: Với lượng rượu trong ngày, nên chia làm 3 lần để uống chứ không nên uống hết 1 lần trong ngày.

Đây là kinh nghiệm điều trị bướu giáp hay từ trong dân gian, tuy vậy người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng. Tuyệt đối không tự dùng để tránh sảy ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Lưu ý khi dùng hoàng dược tử

Liều lượng và thời gian: Như đã nói, vị thuốc này hơi có độc nên cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng, không dùng quá liều hoặc dùng liên tục trong thời gian dài (vì có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, gan, thận, tim mạch cũng như hệ thần kinh). Cụ thể, theo số liệu thống kê trong mười năm (ở Trung Quốc) thì tỉ lệ người bị tổn thương gan do thuốc cổ truyền (thuốc Bắc) ngày càng tăng (chiếm khoảng 23 – 33% trên tổng số thuốc), trong đó, hoàng dược tử là một trong những thảo dược gây tổn thương gan nếu dùng sai cách.

Đối tượng cần tránh: Những người tỳ vị yếu và bị rối loạn chức năng gan, thận (hoặc gan, thận yếu) không nên dùng. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai cũng không được dùng vị thuốc này.

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc, dái củ của dây khoai trời mọc từ nách lá được gọi là hoàng độc linh dư tử (hay còn gọi là cẩu thấu tử, linh dư tử, hoàng độc quả, hoàng độc chu nha…).

Công dụng: Hoàng độc linh dư tử được biết đến với tác dụng giảm ho, ngưng suyễn, giải độc, làm tan uất kết, điều trị ho gà và cổ họng sưng đau. Cụ thể, với trường hợp ho thì mỗi ngày ta dùng từ 4,5 đến 9g dái củ, nấu lấy nước uống (theo Sổ tay thảo dược thường dùng của bộ đội Quảng Châu). Với trường hợp ho gà (ho lâu ngày), mỗi ngày ta dùng từ 9 đến 15g dái củ, nấu lấy nước, sau đó thêm chút đường phèn rồi uống (theo Chiết Giang dược dụng thực vật chí).

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng dái củ này hơi độc nhưng lại có thể dùng để giải độc (qua cơ chế gây nôn bằng cách mài với nước rồi uống). Tuy nhiên, trước khi dùng biện pháp này thì phải hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc. Với trường hợp nhức đầu, ta có thể dùng dái củ tươi, cắt lát ra rồi dán lên hai bên thái dương.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer