Công nhân trở về từ Bắc Giang đều đang rất khó khăn...

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) - cho biết, đa số công nhân trở về từ Bắc Giang đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi về Hàm Yên họ chỉ mang theo được vài bộ quần áo và chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình...
21/06/2021 09:21
anh3

 Cán bộ công đoàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vào bếp nấu ăn hỗ trợ công nhân từ Bắc Giang trở về, hiện đang phải cách ly. Ảnh: CĐHY

Mong được hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong thời gian cách ly

Trao đổi với PV ngày 20.6, chị Ma Thị Dinh - công nhân Công ty TNHH MTV SJ Tech Việt Nam (KCN Vân Trung, Bắc Giang) cho biết, quê chị ở xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Do không có việc làm ổn định, chị Dinh gửi con nhờ mẹ chăm sóc để tới Bắc Giang làm công nhân khu công nghiệp, với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Trước đó, do hôn nhân không hạnh phúc nên vợ chồng chị chia tay, chị nhận nuôi đứa con gái nhỏ. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, chị Dinh gửi về cho mẹ và con gái khoảng 3 triệu đồng.

Cuộc sống, việc làm của chị Dinh đang đang diễn ra bình thường thì “cơn bão COVID-19” tấn công các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Công ty của chị Dinh đóng tại Khu công nghiệp Vân Trung phải dừng hoạt động, chị được đưa đi cách ly tập trung để phòng, chống dịch…

Sau 6 lần được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-Cov-2 đều có kết quả âm tính, chị Dinh được cơ quan chức năng đưa từ Bắc Giang về quê để tiếp tục cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện, trước khi trở về nhà.

Chị Dinh tâm sự: “Tôi được đưa về quê từ hôm 13.6 cùng với 63 người khác. Được sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan đoàn thể nên chúng tôi yên tâm tiếp tục cách ly. Hằng ngày, chúng tôi được cung cấp 3 suất ăn chính (80.000 đồng/người/ngày), chưa kể có thêm sữa hộp, mỳ tôm. Những ngày này, dù thời tiết rất nóng, trong phòng chỉ có quạt, nhưng chúng tôi vẫn chịu được”.

Hằng ngày, mỗi khi con gái nhỏ gọi điện hỏi: “Bao giờ mẹ về với con?” chị Dinh càng nôn nao mong ngày kết thúc cách ly.

Chị Dinh kể, trước khi về công ty trả lương tháng 5 được 3,5 triệu đồng. Số tiền này chị sẽ dành một chút mua cho con bộ quần áo mới, còn lại duy trì cuộc sống của gia đình trong thời gian tới… Tuy nhiên, điều khiến chị lo lắng, là số tiền ít ỏi trên sẽ vơi đi nhiều bởi chị nhận được thông báo là phải trả chi phí sinh hoạt, ăn uống trong thời gian cách ly tại Trung tâm. Nếu thời gian cách ly càng lâu thì số tiền chị phải chi trả càng nhiều…

“Nếu tôi cách ly 21 ngày như ở Bắc Giang thì chi phí sẽ hết gần 1,7 triệu đồng. Đây là số tiền rất quý đối với mẹ con tôi trong thời điểm khó khăn này” - chị Dinh tâm sự.

Theo chị Dinh, dù một mình nuôi con nhỏ, mẹ già ở quê không có việc làm… nhưng gia đình chị không được xếp vào diện nghèo, cận nghèo nên chị vẫn phải trả phí trong thời gian cách ly.

“Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, chưa biết khi nào Công ty của tôi mới hoạt động trở lại. Do đó, để vượt qua giai đoạn khó khăn, tôi rất mong được hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong thời gian cách ly này” - chị Dinh nêu nguyện vọng.

Công đoàn tích cực vào cuộc

Được biết, từ khi có công nhân từ Bắc Giang đưa về Hàm Yên để cách ly, LĐLĐ huyện Hàm Yên đã kịp thời hỗ trợ kinh phí 1 ngày ăn cho mỗi công nhân; hỗ trợ một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác với tổng trị giá trên 6 triệu đồng.

Ngày 18.6 vừa qua, huyện Hàm Yên lại tiếp nhận thêm 300 người nữa, do đó LĐLĐ huyện đang tiếp tục vận động, kêu gọi sự ủng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… nhằm có kinh phí và nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thùy Dương cho biết, đa số công nhân trở về từ Bắc Giang đều có hoàn cảnh khó khăn. Phần lớn trong đó là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện, bị mất việc làm, không có thu nhập, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Khi về Hàm Yên họ chỉ mang theo được vài bộ quần áo và chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình.

“Theo ghi nhận của LĐLĐ huyện, có người trở về trong tình trạng sức khỏe không tốt, căng thẳng, mệt mỏi và lo lắng. Trong số đó có cả phụ nữ mang thai. Nguyện vọng của họ là được sớm trở về nhà với gia đình. Tất nhiên, họ cũng mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong thời điểm khó khăn hiện nay” - bà Dương cho biết.

Theo bà Dương, để cuộc sống người lao động sớm ổn định thì cần nhất là những giải pháp an sinh xã hội lâu dài như giải quyết việc làm ổn định; quan tâm hỗ trợ đột xuất kịp thời khi họ gặp khó khăn (ốm đau, tai nạn, mất thu nhập...), hạn chế những thủ tục hành chính rườm rà.

“Thời gian tới, LĐLĐ huyện sẽ nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động để kết nối với các doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh nhằm giới thiệu việc làm cho họ” - bà Dương chia sẻ.

(Theo Laodong)

comment Bình luận

largeer