Đà Nẵng phát hiện nhiều đối tượng buôn lậu động vật hoang dã

Việt Nam đang là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Trong đó, TP. Đà Nẵng với những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại cũng đang bị đối tượng buôn lậu gia tăng các hoạt động vận chuyển, quá cảnh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
01/10/2021 10:40

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh tại Đà Nẵng khẳng định, Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong khu vực thuộc điểm nóng về đa dạng sinh học, tức là bị đe doạ nhiều nhất hiện nay.

Nguyên nhân là do môi trường sống của các loài động vật đang bị thu hẹp do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng; hậu quả của biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng rừng quá mức; hạn chế trong thực thi pháp luật, đặc biệt là nạn săn bắt tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã.

48

Nhiều loài động vật, hoang dã quý hiếm tại Việt Nam đang bị săn bắt, tiêu thụ

Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) năm 2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trong giai đoạn 2004 – 2019, trong đó bao gồm: 105,72 tấn ngà voi (tương đương 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê.

Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) dựa trên nguồn dữ liệu do các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp đã thống kế giai đoạn 2013 – 2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại động vật hoang dã; hơn 180 loại động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp.

47

Bắt giữ 9 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 3/2019

Trung tâm CCD nghiên cứu trên Internet có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã (theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2021 do Dự án VfD thực hiện).

“Động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi, phần lớn bán sang Trung Quốc (theo EIA, 2021)” – ông Vỹ cho hay.

Năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các quan điểm, mục tiêu để bảo tồn và phát triển ĐDSH của thành phố. Để không xảy ra những vụ xâm hại về rừng, ĐVHD, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ ĐVHD, bảo vệ đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn từ 2015 -2021, Kiểm lâm Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt 93 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

46

Cục Hải quan TP Đà Nẵng đang kiểm tra lô hàng sừng tê giác được vận chuyển từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa do nghi vấn hàng hóa nhập khẩu không đúng khai báo

Tuy nhiên từ lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại đã tạo điều kiện cho các vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD dưới hình thức trung chuyển, quá cảnh, nhập khẩu trái phép. Điển hình như vụ bắt giữ 9 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 3/2019. Mới đây nhất là tháng 7/2021, Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện và bắt giữ hơn 138kg sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật được khai báo với mã hàng hóa là gỗ.

Để đối phó lực lượng chức năng đối tượng thường lợi dụng việc tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử và việc áp dụng quản lý rủi ro để khai báo sai tên hàng như hàng thủy tinh, giấy cuộn, gỗ thường. Hàng hóa được chuyển tải qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở các nước khác nhau trước khi đến Việt Nam nhằm xóa dấu vết. Tên hàng trên chứng từ hoàn toàn giả mạo, khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng hoặc không khai báo làm thủ tục hải quan.

“Các vi phạm về bảo vệ ĐVHD tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn là hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD quá cảnh qua địa bàn. Các vụ vận chuyển này đều là những loài vật loài nguy cấp, quý hiếm có xuất xứ nước ngoài qua đường biển đến Đà Nẵng có tình tiết phức tạp với khối lượng lớn và thủ đoạn tinh vi.” - Ông Nguyễn Mạnh Tiến (Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng) cho biết.

Theo TNVMT

                           

comment Bình luận

largeer