Đà Nẵng: Thức xuyên đêm tiếp sức cho đồng bào về quê

Với mục đích giảm bớt khó khăn cho người lao động về quê trong chặng đường dài hàng ngàn cây số, nhiều nhóm thiện nguyện ở TP Đà Nẵng đã chung tay quyên góp tiền, hỗ trợ lương thực, xăng, sửa xe miễn phí cho bà con.
09/10/2021 06:39

 

26

Những phần ăn được các tình nguyện viên chuẩn bị, trao cho đoàn người hồi hương

Những ngày qua, tại cửa ngõ ra vào TP Đà Nẵng, cứ cách vài giờ lại có những dòng người vội vã, lỉnh kỉnh đồ đạc chạy xe về quê. 

Hỗ trợ lương thực, sửa xe miễn phí

Khi nghe tin có hàng ngàn đoàn xe đi qua địa bàn TP, thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây, các nhóm thiện nguyện lớn tại Đà Nẵng đã được TP tạo điều kiện kết hợp với nhau để lên phương án hỗ trợ những người lao động về quê khi đi qua TP Đà Nẵng.

Tại trạm dừng chân ở hầm Hải Vân, bà Nguyễn Thị Trà Liên (chủ nhiệm nhóm Hiếu Hạnh chùa Quán Thế Âm) cùng gần 15 thành viên trong nhóm tất bật chuẩn bị 1.500-2.000 phần ăn bao gồm súp, cơm, mì, nước uống… để trao cho dòng người hồi hương. Công việc chuẩn bị từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng tất cả tình nguyện viên đều vui vẻ làm việc.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm tình nguyện viên khác cũng hỗ trợ đổ xăng, những xe hư hỏng nặng, đồ đạc cồng kềnh sẽ được các đội xe bán tải thực hiện trung chuyển giúp người dân đến tận chốt kiểm dịch ở Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế).

Chạy xe máy một mình từ Bình Phước về huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Nguyễn Duy Lợi (53 tuổi) cảm thấy xúc động vì được các tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình trên đường đi.

“Tôi làm công nhân xây dựng ở tỉnh Bình Phước nhưng mất việc gần ba tháng nay, không có thu nhập, lại không được địa phương hỗ trợ xe đưa đón nên mới liều mình chạy xe máy về quê” - ông Lợi cho biết.

Không chỉ hỗ trợ thức ăn, nhiên liệu miễn phí, nhiều ngày qua, các đội vận chuyển và sửa xe miễn phí tại TP Đà Nẵng cũng huy động tối đa thành viên hoạt động xuyên đêm, cứu hộ xe máy cho người dân.

Anh Lê Đình Lượng, thành viên Đội SOS sinh viên ĐH Đông Á, cho biết trung bình mỗi đêm, nhóm hỗ trợ cứu hộ hơn 100 xe máy, có thời điểm lên đến 200 xe nên phải làm việc đến rạng sáng hôm sau, nhiều xe bị hư hỏng nặng, phải thay thế nhiều phụ tùng để kịp cho đoàn tiếp tục di chuyển.

“Mặc dù nhóm đã tham gia nhiều đợt cứu hộ nhưng lần này gặp một chút khó khăn khi tình hình mưa gió diễn ra liên tục. Để bà con đỡ vất vả trong quá trình di chuyển, các thành viên trong nhóm đều cố gắng sửa chữa tốt nhất có thể” - anh Lượng nói.

Còn đối với những trường hợp xe hư hỏng nặng không thể sửa chữa, đội xe bán tải sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển xuống đèo, ra khu vực chốt kiểm dịch ở Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế).

Làm biển chỉ đường cho người về quê

Anh Trương Vĩnh Đặng (giáo viên, 35 tuổi) cùng cha Trương Văn Luân (58 tuổi) đã dầm mưa treo các biển chỉ dẫn để người dân ở các tỉnh phía Nam khi đến địa phận TP Đà Nẵng không bị lạc đường.

Anh kể trong một lần tham gia chương trình hỗ trợ lương thực, nước uống, anh thấy nhiều bà con đi lạc đường, một số trường hợp lạc vào trung tâm TP nên đây chính là lý do anh dành thời gian làm các biển chỉ dẫn, treo ở các tuyến giao thông chính qua Đà Nẵng.

Đến ngày 6-10, anh Đặng cùng cha mình đã hoàn thành treo các biển chỉ dẫn. Những biển chỉ dẫn với màu sắc nổi bật được đặt tại ngã ba Tạ Quang Bửu - Nguyễn Văn Cừ; ngã tư đường đi Bà Nà; đường Hoàng Văn Thái và đường tránh Túy Loan; ngã tư tại UBND huyện Hòa Vang và quốc lộ 14G (trên địa bàn xã Hòa Khương).

Anh Đặng cho biết thời gian qua, dòng người về quê phần lớn là đồng bào miền núi thuộc các tỉnh phía Bắc, hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều gia đình không có điện thoại thông minh chỉ đường, một số người có xe máy hỏng nặng nên bị tách đoàn, ảnh hưởng đến hành trình.

“Việc treo biển chỉ dẫn không chỉ giúp cho bà con đi đúng đường mà còn giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh trong TP từ những người ở địa phương khác đến” - người đàn ông 35 tuổi chia sẻ.

25

Dầm mưa cứu hộ xe máy trong đêm

Nguồn kinh phí để lắp các biển chỉ dẫn đã được bạn bè của anh Đặng hỗ trợ. Điều anh mong muốn nhất đó là sự kết hợp giữa các địa phương, bố trí xe trung chuyển qua từng tỉnh để người dân đỡ vất vả khi đi xe máy qua đèo, đặc biệt trong thời điểm thời tiết mưa nhiều như những ngày qua.

Được biết anh Đặng là giáo viên mỹ thuật tại một trường học ở quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), anh đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện trong suốt 10 năm qua.

Bố trí hai tổ y tế chăm sóc dòng người hồi hương

 Theo thống kê từ Công an TP Đà Nẵng, từ ngày 2 đến 5-10, có 24 đoàn với 7.100 xe và 13.795 người từ các tỉnh phía Nam đi qua địa phận Đà Nẵng. TP Đà Nẵng đã bố trí hai tổ y tế thường trực tại hai điểm cửa ngõ ra, vào TP Đà Nẵng để xử lý, cấp cứu, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong hành trình về quê khi đi ngang TP. Cụ thể, hai điểm này ở trạm trung chuyển Hải Vân (quận Liên Chiểu) và điểm giao xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) với xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

TH

 

comment Bình luận

largeer