Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột chia sẻ về tích lễ Vu Lan báo hiếu

Trong ngày mưa Rằm tháng 7 năm Nhâm Dần, chúng tôi có cuộc hẹn gặp Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột khi được thầy chia sẻ về tích lễ Vu Lan báo hiếu và những công tác chuẩn bị cho đại lễ này của nhà chùa.
12/08/2022 15:34

Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện tại Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường mới, chùa Một Cột vẫn tiến hành tổ chức Đại lễ Vu Lan như mấy năm trước. Khác biệt là năm nay nhà chùa không làm đông và mời nhiều các phật tử như các năm trước vì chùa năm nay neo người vì có đến 6 đệ tử đi học nội trú, lượng người chuẩn bị cho Đại lễ Vu Lan báo hiếu mỏng. Việc sắp lễ và công tác chuẩn bị chỉ bằng 1/3 so với mọi năm, những người tham gia cũng chỉ đa số là các phật tử đã đi lại chùa nhiều năm và gia đình có gửi vong vào chùa.

Empty

Trong Đại lễ Vu Lan chùa Một Cột có chương trình Lễ Tổ lên xin phép Chư Tổ để lên chùa làm lễ; Cầu siêu; Bông hồng cài áo; Thắp nến tri ân cha mẹ. Ngày Vu Lan báo hiếu vào Rằm tháng 7 trùng ngày Tự Tứ của Chư Tăng (tức là sau 3 tháng an cư kết hạ Chư Tăng về lúc đó mới tính là 1 tuổi hạ) cùng với đó ngày này cũng là Tết của nhà chùa. Các đệ tử của thầy sẽ làm lễ khánh tuế cho thầy trụ trì thêm 1 tuổi đạo, thầy cũng chúc cho các đệ tử thêm 1 tuổi đạo.

Phần hai là các đệ tử dâng hoa cúng dường; Phần ba là các phật tử tại chùa dâng đồ phẩm vật học theo Kinh Vu Lan Bồn của ngài Mục Kiền Liên Tôn Giả sắm sửa các đồ vật dụng như chăn, màn, thuốc đánh răng, xà phòng, tiền bạc... cho Chư Tăng để có sức chú nguyện hồi hướng cho phụ mẫu, hiện tiền phật tử sức khỏe, bình an. Nếu cha mẹ "7 đời qua vãng" cũng được hưởng duyên lành đó để siêu sinh tịnh độ.

Empty

Tiếp đến là làm lễ Bông hồng cài áo, theo quan niệm hoa hồng là chúa tể của các loài hoa, có sức sống mãnh liệt, tại lễ Bông hồng cài áo nếu ai còn hạnh phúc khi có đủ cha và mẹ thì sẽ được cài lên áo bông hồng đỏ thắm, ai đã mất cha hoặc mẹ sẽ được cài lên áo bông hồng phớt, ai đã mất cả cha và mẹ sẽ được cài lên áo bông hồng trắng. 

Sau đó, thầy xin lửa ở trên Tam Bảo rồi truyền lửa cho tất cả các Chư Tăng, các phật tử, thắp nến cầu nguyện tri ân ông bà, cha mẹ, người thân. Đây là dịp ý nghĩa để các con có thể báo hiếu ông bà, cha mẹ, người thân của mình.

Theo ghi nhận mùa Vu Lan Rằm tháng 7, người dân thường đốt vàng mã rất nhiều, nói về quan niệm của Phật giáo về vấn đề này, thầy cho biết: Lễ Vu Lan của Phật giáo, Phật giáo du nhập vào quốc gia nào thì phải hòa nhập với văn hóa của quốc gia đó. Phật giáo của Việt Nam từ Ấn Độ truyền qua Trung Quốc rồi mới truyền sang Việt Nam, ngoài Bắc ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa rất nhiều nên cũng ảnh hưởng thủ tục đốt mã. Vu Lan là lễ báo hiếu thì tích này do ngài Mục Kiền Liên khi ngài là 1 trong 10 đệ tử đắc đạo của Phật Tích Ca Mâu Ni thời đó, ngài thấy thân mẫu mình bị đọa làm loài quỷ đói trong địa ngục Vô Gián, ngài mang cơm xuống để dâng cho mẹ nhưng do nghiệp duyên của bà rất lớn nên cơm hóa thành lửa không ăn được. Ngài mới về bạch với Phật để dùng sức thần lực của 10 Phương Tăng thì mới có phương năng cứu được mẹ ông. Ngài mới làm lễ chay tăng để hồi hướng báo hiếu mẫu thân, khi đó mẹ ngài mới thoát khỏi đó. Ngài mới hỏi Phật rằng sau này có Phật tử xuất gia, tại gia muốn báo hiếu cho cha mẹ thì có thể làm lễ Vu Lan Bồn này được không? Phật trả lời rằng: Rất tốt, nên làm như vậy để báo hiếu cho cha mẹ. Từ đó, có tích Vu Lan báo hiếu.

Empty

Còn Rằm tháng 7 là ngày Xá tội vong nhân. Theo tương truyền, ngày Rằm tháng 7 là ngày dưới địa ngục mở toang cửa ra, tất cả vong nhân được ân xá tự do trong 1 ngày. Với vong nào còn gia đình thì sẽ cúng cho vong được mâm cao cỗ đầy họ sẽ được hưởng thụ trong những ngày đó. Với những vong hồn không nơi nương tựa, không có ai thờ tự, vì lòng thương xót thì chúng ta lập đàn bố thí, cúng cháo cho chúng sinh. Đốt thoi vàng, tấm áo, nhiều gia đình có điều kiện "phú quý sinh lễ nghĩa" họ rình rang mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại, ô tô,... thậm chí cả máy bay. Theo quan niệm "trần sao âm vậy", nhưng theo Phật giáo không có điều này mà phải là "nhân nào quả đó", làm được việc tốt thì sẽ hưởng quả báo tốt, làm việc xấu sẽ nhận quả báo xấu.

Phật là nơi để chúng sinh dựa phần tâm linh vào, chỉ con đường tu. "Có tu thì mới có đắc, có đi thì mới có đến" là quan niệm của nhà Phật. Đạo Phật từ bi, ngài chế ra 84 nghìn pháp chúng sinh để diệt trừ 84 nghìn nỗi khổ não. Ai hợp căn cơ như thế nào thì tu theo thế, ai không biết đọc biết viết có thể tu theo tháp tu. "Môn niệm Phật phổ thông đệ nhất/ Thực rõ ràng đường tắt khống sai/ Kể từ cổ vãng kim lai/ Hiền ngu, già trẻ, gái, trai đều thành". "Nhân dịp này, tôi có lời với mọi người rằng dù Rằm tháng 7 tục đốt mã của chúng ta không bỏ được thì chỉ nên đốt để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất của mình mỗi người 1 bộ quần áo, 1 đinh tiền vàng. Việc làm này là hợp lý, không nên làm rình rang để không tốn tiền, không gây ô nhiễm môi trường, tránh hỏa hoạn".

Việc có hiếu với ông bà, cha mẹ, người thân thì nên cả cuộc đời này chứ không chỉ riêng mùa Vu Lan. Thế gian có ngày sinh nhật thì các vong linh cũng có ngày giỗ hoắc ngày Rằm tháng 7 để con cháu tận hiếu với ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng.

Empty

Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột trò chuyện với phóng viên

"Nhân ngày Vu Lan báo hiếu, Phật có dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật; Mọi người cố gắng tinh tấn tu học; Vượt qua thói hư tật xấu thường ngày, bỏ bớt tham sân si; Tận hiếu với ông bà, cha mẹ; Tham gia tất cả các phong trào của địa phương, thể hiện mình là một công dân tốt của đất nước; Tốt đạo đẹp đời".

Một cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột ý nghĩa vào ngày Rằm tháng 7 kết thúc, đọng lại trong chúng tôi sự hoan hỷ khi được hiểu hơn về ý nghĩa đặc biệt của lễ Vu Lan báo hiếu. 

Nguyễn Trang - Hoàng Anh

comment Bình luận

largeer