Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 78: WHA78 kêu gọi cải tổ tài chính y tế, xây dựng hệ thống dữ liệu tự chủ

Tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 78, các bộ trưởng y tế kêu gọi các quốc gia dẫn dắt cải cách tài chính y tế và hệ thống dữ liệu, giảm phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài. Cuộc họp cũng ghi nhận báo cáo đáng lo ngại về tình trạng y tế ở Gaza và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời thông qua quyết định tiếp tục hỗ trợ WHO trong công tác nhân đạo tại đây.
23/05/2025 08:55

Tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 78, các bộ trưởng y tế kêu gọi giảm phụ thuộc vào viện trợ và đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính dữ liệu y tế. Trong cuộc đối thoại cấp bộ trưởng do WHO và Quỹ Susan Thompson Buffett tổ chức, đại diện các nước chịu ảnh hưởng từ cắt giảm viện trợ nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược do quốc gia dẫn dắt, dựa trên dữ liệu thực tiễn và phù hợp với nhu cầu địa phương.

Screenshot 2025-05-22 203307

(Nguồn: WHO)

Phó Chủ tịch Quỹ Buffett, bà Senait Fisseha và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: Khủng hoảng viện trợ là cơ hội để tái định hình hệ thống y tế toàn cầu, với các giải pháp bền vững, công bằng và chống chịu khủng hoảng. Các quốc gia cần chủ động xây dựng hạ tầng dữ liệu từ thống kê dân số đến đánh giá hiệu quả đầu tư và thúc đẩy tài chính y tế nội địa thông qua cải cách thuế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, tích hợp viện trợ vào ngân sách quốc gia và chuyển đổi số.

Đại diện Barbados, Ai Cập, Liberia, Malawi, Rwanda, Sierra Leone và các tổ chức như Liên minh châu Phi, Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả đầu tư trong y tế. Dự thảo nghị quyết về tài chính y tế dự kiến sẽ được WHA thảo luận vào cuối tuần.

WHA quan ngại sâu sắc về tình hình y tế tại Gaza và vùng lãnh thổ bị chiếm đóng

Cũng trong ngày 21/5, Đại hội đồng ghi nhận báo cáo của Tổng Giám đốc WHO về tình hình y tế tại Gaza, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan của Syria từ tháng 1/2024 đến tháng 2/2025. Do xung đột và thiếu dữ liệu dân số, WHO tiếp tục gặp khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ tại Golan.

Các quốc gia thành viên bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự sụp đổ của hệ thống y tế ở Gaza: cơ sở y tế bị tấn công, người dân phải sơ tán, vệ sinh xuống cấp và dịch vụ y tế thiết yếu không thể duy trì. Tình trạng thiếu lương thực, suy dinh dưỡng và khủng hoảng y tế đang ngày càng nghiêm trọng.

Đại hội đồng đã thông qua một loạt quyết định kêu gọi WHO tiếp tục giám sát, hỗ trợ phục hồi hệ thống y tế Palestine và Syria, đồng thời cập nhật báo cáo định kỳ, đặc biệt về an ninh lương thực và sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Dải Gaza.

Theo WHO

comment Bình luận