Đạo thầy - trò xưa và nay
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể đến truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Người Việt Nam dù trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, trải qua mọi biến cố thì truyền thống đó không bao giờ thay đổi. Truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp mang đậm tính nhân văn của con người và văn hóa Việt Nam. Coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị của văn hóa giáo dục Việt Nam qua các thời đại. Người thầy luôn được cả xã hội kính trọng, là người được nhân dân gửi gắm niềm tin về việc học hành và sự thành đạt của con em họ. Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy luôn tiêu biểu trong xã hội, nghề giáo được thừa nhận là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Đạo thầy - trò xưa
Dưới chế độ phong kiến, vị trí người thầy được xếp hàng thứ 2, sau vua và trên cả cha mẹ, vị trí của người thầy luôn được khẳng định và đã đi vào ca dao, tục ngữ: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”; "Không thầy đố mày làm nên"; “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”; "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy/Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu",... Chữ "ơn" mà người được dạy dỗ phải mang theo cũng giống như chữ "ơn" mà bậc sinh thành sinh ra mình vậy. Lòng biết ơn được coi như là yếu tố quan trọng để phân biệt giữa người quân tử với kẻ tiểu nhân, bởi vì “tiểu nhân trọng lợi”, “vong ân bội nghĩa”; còn người quân tử thì luôn trọng tình, trọng nghĩa, "quân tử trọng nghĩa".
Trong cuộc đời mỗi con người, thật may mắn cho những ai tìm được bậc hiền nhân, người thầy đức độ để theo học và cũng may mắn cho người thầy có được những học trò nhân nghĩa, những học trò mà xã hội gọi là "con ngoan trò giỏi".
Cha mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta có đỗ đạt trường này, trường nọ hay không, có thành công trên con đường công danh sự nghiệp hay không, có nổi tiếng hay không..., thì phần lớn nhờ công lao của người thầy.
Từ vị trí quan trọng của người thầy, của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, ông cha ta đã đúc kết thành quan niệm và trở thành đạo lý: “Lương Sư hưng Quốc” – có nghĩa là một xã hội muốn hưng thịnh, phát triển thì xã hội đó phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học, phải coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đó chính là cái gốc, để làm nên sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Đạo lý ấy đã được người xưa gửi gắm qua câu ca dao được truyền tụng từ đời này qua đời khác: “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Nền giáo dục phong kiến đã khẳng định ý nghĩa của việc học trước tiên không phải học chữ, học kiến thức, mà là học nhân cách: "Tiên học lễ hậu học văn".
Trong xã hội xưa, người thầy luôn được kính trọng, bởi họ thường xuyên dạy học trò phải tự soi mình để rèn luyện bản thân. Họ không chỉ dạy chữ, mà còn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò của mình, coi đó là gốc rễ của việc dạy và học, qua đó đào tạo thế hệ học trò vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Người thầy luôn đặt ra yêu cầu cao đối với học trò, như phải biết lễ nghĩa, thưa gửi khi gặp thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, phải biết cách ứng xử trong gia đình, bạn bè và xã hội; biết đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa là người có học...
Đạo nghĩa và những nét đẹp mối quan hệ thầy - trò trong xã hội xưa hầu như không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực, mà xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Thậm chí, sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao. Thầy luôn là người giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc trò, gia đình học trò phải cung phụng, biếu xén bất cứ thứ gì; thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của mình.
Lòng biết ơn và nhân nghĩa không phải ở chỗ người học trò mang báu vật đến lễ thầy, tặng thầy nhân ngày lễ, ngày tết mà là bổn phận của người trò với người thầy của mình. Bổn phận ở đây không phải là trách nhiệm quan tâm chăm sóc thầy, mà đó là phải thực hiện đúng những gì mà người thầy đã dành cả tâm huyết, để truyền thụ cho mình trong quá trình học tập tiếp thu, phải đưa cái đức lên hàng đầu, sống phải biết “đối nhân xử thế”, phải biết “kính trên nhường dưới”, phải biết tôn trọng mọi người....
Trong phong tục lễ tết của người Việt, từ xa xưa đã luôn coi trọng đề cao vị trí của người thầy: "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy", ý nói trong 3 ngày tết của người Việt, thì ngày đầu tiên của năm mới là đi chúc tết họ hàng bên nội, ngày mùng hai là đi tết họ hàng bên ngoại, ngày mùng ba đi tết thầy dạy học.
Tác giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã đề cập đến mối quan hệ thầy trò xưa: "Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mùng năm ngày tết, như tết Nguyên Đán, tết Thanh Minh, tết Đoan Dương, tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà, thúng gạo, đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy". Nhưng tất cả những thứ đó không nói lên tính “thương mại” trong mối quan hệ thầy trò, mà đó là tình cảm kính trọng thực sự của trò đối với người thầy dạy của mình.
Đạo thầy - trò nay
Từ những năm cuối của thế kỷ trước, khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, đã có không ít những tiêu cực, hạn chế tác động đến đời sống xã hội, trong đó có mối quan hệ thầy - trò.
Những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đã làm cho mối quan hệ thầy – trò lúc này mang một màu sắc mới, trên nền tảng những giá trị nhân văn, từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, theo xu hướng gần gũi hơn, bình đẳng, thân thiện hơn. Đạo nghĩa thầy - trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt của nền giáo dục phong kiến trước đây, mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa... Tuy nhiên, cũng đã, đang xuất hiện không ít những biểu hiện, những hành động về sự xuống cấp nghiêm trọng của mối quan hệ thầy trò, như: Thầy đánh trò, xâm hại tình dục trò, dùng “điểm đổi tình”; trò cãi thầy giữa lớp học, giảng đường, trò đánh thầy; gia đình học trò đánh, chửi rủa thầy cô giáo, hoặc dùng tiền hay những món quà vật chất khác biếu xén thầy để mong thầy nương nhẹ, giúp đỡ con em mình... Những câu chuyện, vụ việc nêu trên tuy không nhiều, nhưng đã làm xấu đi hình ảnh người thầy “đạo cao đức trọng”; “đạo làm thầy” và “đạo làm trò”, khiến cho xã hội không khỏi băn khoăn, trăn trở về nền giáo dục - một lĩnh vực đặc biệt của xã hội là dạy người, đào tạo người.
Nhìn một cách tổng thể thì về cơ bản mối quan hệ thầy - trò trong giai đoạn hiện nay vẫn giữ được bản chất của nó như đã từng tồn tại. Nhưng, bên cạnh đó thì ở lúc này lúc khác sự tôn trọng của trò đối với thầy có lẽ đã thay đổi? Và bản chất của một số người thầy cũng biến đổi theo? Sự thay đổi đó có không ít những lý do để giải thích, nhưng điều chắc chắn là trách nhiệm thuộc về cả hai phía thầy và trò.
Ở góc độ của người viết bài này, với tư cách là người thầy cũng đang đứng trên bục giảng, theo tôi trách nhiệm trước hết thuộc về người thầy. Người thầy có được trò kính trọng hay không, người ta chưa nhìn vào trình độ kiến thức, mà điều trước tiên là cách ứng xử của thầy trước, trong và sau quá trình dạy học. Nền giáo dục Việt Nam đã thừa nhận việc đầu tiên khi trò bước vào môi trường học là phải học lễ nghĩa: "Tiên học lễ, hậu học văn". Do vậy, người thầy dạy trước tiên phải dạy lễ nghĩa, cách “đối nhân xử thế” cho trò chứ chưa phải dạy kiến thức. Lễ ở đây có rất nhiều nghĩa, nhưng có thể cụ thể bằng những lời ăn tiếng nói của trò, những hành động cụ thể của người học đối với gia đình, bạn bè và xã hội, đó là cách đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa là người con trong gia đình, người học trò trong trường học, thành viên trong cộng đồng... Về kiến thức, có thể người thầy dạy rất giỏi, trò hiểu bài, nhưng người thầy đó lại hay quát mắng, hay nói móc chê bai trò là ngu dốt, và đặc biệt lại quá "thương mại hóa" trong vấn đề học của trò, thì liệu người thầy đó có được trò tôn trọng? Thầy lên lớp, dạy không dạy chỉ kể chuyện lan man, vào muộn, ra và về sớm, thì liệu trò có tôn trọng không? Thầy trong quá trình dạy luôn đem điểm ra, để hăm dọa học sinh sinh viên, đe dọa không cho thi, thì thầy đó có được tôn trọng? Chưa kể đến một số thầy còn lợi dụng vấn đề điểm, tư cách thi để "gạ gẫm" học sinh sinh viên "vấn đề này vấn đề kia", thử hỏi những thầy như thế có đáng được tôn trọng hay không?
Một thực tế là rất nhiều thông tin về thầy này, cô nọ dạy giỗ ra sao, thái độ đối với học trò thế nào, chúng ta chỉ cần xuống căng tin, hay một quán nước gần trường là có thể biết dư luận về "thương hiệu" của từng thầy, từng cô. Thậm chí "thương hiệu" đó có cả ở trên mạng.
Bên cạnh đó, thì trò cũng có phần trách nhiệm không nhỏ. Đại đa số các trò ở thời điểm hiện nay vẫn giữ được truyền thống "Tôn sư trọng đạo", nhưng với sự tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay, một bộ phận học sinh sinh viên đã phần nào thay đổi. Không ít các em học sinh sinh viên không còn biết tôn trọng cha mẹ, thầy cô là gì nữa. Về phần gia đình cho tiền ăn học, các em có đi học, nhưng không vào lớp học mà đi chơi internet, hẹn hò bạn bè, người yêu... Nếu có đến lớp học, thì đầu tóc nhuộm đủ thứ màu, trong giờ học không nói chuyện, thì sử dụng điện thoại, không đọc chuyện, thì đánh bài, không nghe nhạc, thì ngủ gật, thậm chí, còn có những em ngồi cạnh nhau, có những hành động không đúng chuẩn mực... Thử hỏi những trò đó, thì có người thầy nào chấp nhận được?
Thực tế cho thấy có không ít học sinh, sinh viên giám đứng lên cãi tay đôi với thầy cô, thậm chí "tập võ" với thầy, hoặc đưa người thân vào tận trường, lớp, hay chỗ ở, để đánh thầy cô. Sự việc đó đang có biểu hiện gia tăng, báo động sự suy đồi về đạo đức trong môi trường giáo dục hiện nay.
Vậy, vì sao một số học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay lại có những thái độ như thế? Chắc chắn chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn do họ. Một phần là do cha mẹ mải làm ăn, buôn bán, cho nên lơ là trong việc giáo dục, quan tâm đến con cái. Họ cứ nghĩ chu cấp đầy đủ tiền ăn học cho con là được, chứ chưa nghĩ được rằng con mình có sử dụng đồng tiền mà mình cho đúng mục đích hay không? Và vô hình chung các bậc phụ huynh như vậy, đã tạo điều kiện cho con mình hư hỏng? Một phần là do thầy, cô trong quá trình lên lớp chưa nghiêm khắc với học trò và có nhiều thầy cô vẫn giữ phương pháp giảng dạy cũ, gây nhàm chán, cách cư xử của một số thầy cô chưa đúng mực: mắng chửi trò, xúc phạm trò trước đám đông, thương mại hóa trong quá trình giảng dạy, dẫn tới việc các em lười học, ỉ lại và trông chờ vào sự giúp đỡ của sức mạnh đồng tiền. Bên cạnh đó, bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện nay chưa có cách khắc phục triệt để, nên vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh học hay không học vẫn được lên lớp? Từ đó xảy ra tình trạng học sinh coi thường thầy cô vì cho rằng học “tằng tằng” rồi kiểu gì cũng được lên lớp. Hơn nữa, cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia đã làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư duy của học sinh, sinh viên. Vì thế, vấn đề này cần phải chấn chỉnh kịp thời, để Đạo thầy - trò luôn là một chuẩn mực đạo đức trong xã hội Việt Nam, luôn là nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy, dù xã hội có phát triển đến đâu thì trong tâm tưởng của người Việt Nam, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là nền tảng của mọi giá trị đạo đức, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Vị trí, vai trò của người thầy vẫn luôn được kính trọng, quý mến. Nghề giáo trong tâm tưởng của người Việt, vẫn luôn được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người thầy giáo luôn được ví như những anh hùng vô danh, như Bác Hồ từng nói: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Học trò về cơ bản vẫn luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ở đâu đó, những câu chuyện đau lòng về quan hệ thầy - trò cần được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc để đạo nghĩa thầy - trò luôn là chuẩn mực đạo đức trong xã hội ta, luôn là nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Cuối cùng xin trích dẫn câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, muốn giữ được nét đẹp văn hóa dân tộc đó chúng ta phải chung tay xây dựng một nền giáo dục: “Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”... Chữ "phải" ở đây là mang tính bắt buộc nếu chúng ta muốn đạt được như mong muốn.
Thạc sỹ Vũ Văn Chương
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm