Diễn biến bất ngờ vụ giả bác sĩ điều trị F0 tại TP HCM

Nhiều tình tiết trong vụ người tên Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ điều trị F0 tại TP HCM, khiến dư luận bất ngờ.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
22/02/2022 14:35
Nhiều giấy tờ do bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm ký, thậm chí có cả dấu đóng.

Nhiều giấy tờ do bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm ký, thậm chí có cả dấu đóng.

Ngang nhiên giả thạc sĩ, bác sĩ lọt vào khu điều trị F0

Cơ quan chức năng Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM và các đơn vị liên quan đang khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc người tên Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ điều trị F0, gây xôn xao dư luận.

Theo phản ánh, vào tháng 7/2021, nam thanh niên tên Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996) đã giả danh là sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM để xin làm tình nguyện viên ở khu cách ly tập trung, đóng tại Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM (quận 12).

Tại đây từ một sinh viên, Khiêm xưng danh là bác sĩ nội trú và dần "hô biến" mình thành thạc sĩ, bác sĩ, có thể điều trị, ra y lệnh, ký nhiều giấy tờ cho các bệnh nhân COVID-19.

Thậm chí khi có một tờ báo về sức khỏe đến tác nghiệp, Khiêm còn chia sẻ đã "hỗ trợ cứu sống một ca trở nặng bằng cơ số thuốc có trong khu cách ly". Bài báo này sau đó được Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế dẫn lại đăng tải công khai.

Thẻ sinh viên được cho là của Nguyễn Quốc Khiêm.

Thẻ sinh viên được cho là của Nguyễn Quốc Khiêm.

Chưa dừng lại, đối tượng Khiêm còn tiếp tục xưng mình là bác sĩ công tác tại khoa Tim mạch của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và khoe được nhận giấy khen từ Sở Y tế TPHCM vì "đã có thành tích đột xuất phát hiện, hỗ trợ cấp cứu và điều trị cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy".

Bác sĩ giả nhận sai, còn xin cả vắc xin COVID-19 cho người nhà?

Trần tình về việc giả mạo bác sĩ trên báo Pháp Luật TP HCM, Nguyễn Quốc Khiêm nói rằng: Trước đây bản thân có học y khoa nhưng bỏ ngang do về kinh tế gia đình (Khiêm cho hay trước học ngành y bên Đại học Hồng Bàng rồi sau học bên Đại học Y Dược nhưng đại diện Trường Y Dược xác nhận không tìm thấy dữ liệu liên quan đến Khiêm).

Khiêm cho biết mình đã nhận thức được cái sai của mình dù chưa ra bằng gì hết nhưng em lại ký giấy. Tuy nhiên trước khi ký giấy thì Khiêm khẳng định có trao đổi với trưởng khu cách ly. “Chị đó có đồng ý nên em mới ký vào biên bản”, báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời nam thanh niên.

Trả lời câu hỏi tại sao lại ký các giấy tờ tại khu cách ly và đề tên là BS. Ths Nguyễn Quốc Khiêm thì nam thanh niên này nói: “Do khu cách ly đang thiếu người, chưa có bác sĩ chính; do tình hình nguy kịch của bệnh nhân dẫn tới sự nguy kịch rất là lớn nên em vượt ký cho bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện quận 12. Em chưa có bằng mà ký, đó cũng là một cái sai rất là lớn của em”.

Chân dung bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm.

Chân dung bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm.

Khiêm cho biết mình không nhớ số lượng giấy tờ mà mình đã ký. “Em chỉ nhớ có ký biên bản hội thảo tử vong chung với một bác sĩ chính và bốn tờ chuyển viện. Tuy nhiên trước khi ký em đã xin người quản lý khu cách ly” – Khiêm xác nhận.

Khiêm đã làm tại trung tâm cách ly từ 13-7 đến ngày 1-10. Lý do dừng theo Khiêm cho biết là “do những lùm xùm tại trung tâm cách ly và xin đi về để suy nghĩ về những việc mình đã làm”. Khiêm nói rằng sau đó trường có mời mình về làm việc.

Một thông tin khác cũng được quan tâm đó là trong quá trình làm việc ở khu cách ly, Khiêm đã lấy tiền phí khám chữa bệnh, đi mua thuốc, vật tư… giải thích về việc này Khiêm xác nhận có việc thu phí. Tuy nhiên việc này là do bên thu chi làm.

Về thông tin mua thuốc thì Khiêm khẳng định: “Em chỉ kết nối với các công ty dược thôi còn lại bao nhiêu thu chi hóa đơn... là bạn khác giữ hết. Nếu mua cái gì đó thì em đi cùng một bạn thủ quỹ. Tới đó thì bạn đó trả tiền chứ em không đụng. Tất cả thu chi đều có hóa đơn và bạn thủ quỹ phụ trách hết".

Riêng về phản ánh vận động mạnh thường quân, Khiêm cũng cho biết họ không cho mình. “Người ta cho rau, cho dụng cụ, thiết bị y tế thì mấy bạn xài chung chứ em không mang về nhà, cũng không có vụ lợi gì” – Khiêm tiếp.

Về thông tin phản ánh việc Khiêm mang vaccine COVID-19 về nhà thì Khiêm thừa nhận có. Tuy nhiên “cái này là em xin. Vì lúc đó gia đình em chưa có ai được tiêm vaccine hết nên em xin Giám đốc Trung tâm y tế quận 12 một lọ Pfizer thôi. Em xin rõ ràng chứ không có lấy” – Khiêm nói.

Còn thông tin một bác sĩ của Bộ Y tế xuống trung tâm cách ly để kiểm tra có thưởng tiền cho Khiêm thì người này phủ nhận là không có thưởng một đồng nào.

Người mạo danh bác sĩ có thể phải đối mặt với nhiều tội danh, mức hình phạt có thể đến 15 năm tù

Dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá: Câu chuyện như một chuyện đùa nhưng lại có thật diễn ra trong lúc dịch bệnh phức tạp.

Theo luật sư, sự việc này không đơn giản là hoạt động thiện nguyện thông thường mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của người đàn ông này để xử lý theo quy định pháp luật.

Với những thông tin hiện nay thì đây là sự việc khá hi hữu trong mùa dịch và có phần khôi hài nhưng hậu quả lại có thể rất nghiêm trọng, có thể gây ra nguy hiểm cho người bệnh và cộng đồng xã hội. có thể lúc đầu chỉ là nhiệt tình tham gia phòng dịch như một sinh viên nhưng do sơ hở trong công tác quản lý, thiếu giám sát của cơ quan chức năng nên người này đã liên tục mạo danh, mà ở vị trí công tác để trở thành thạc sĩ, bác sĩ, thực hiện hoạt động khám chữa bệnh mà không ai phát hiện ra . Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện của người này và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh.

Nếu là sinh viên, thực hiện các công việc theo yêu cầu của bác sĩ với tư cách là các tình nguyện viên thì có thể không gây hại cho xã hội, tuy nhiên nếu mạo danh là bác sĩ, quyết định trong việc đưa ra các y lệnh, thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, liên quan trực tiếp đến người bệnh đang nguy kịch thì đây là một sự việc nghiêm trọng. Hành vi giả mạo như vậy là vi phạm pháp luật, là hành vi giả mạo trong công tác. Để giả mạo được như vậy thì người này còn có thể sẽ làm giả các giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ tất cả các hành vi này để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong quá trình xác minh sự việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch, năng lực, trình độ của người này và làm rõ nguyên nhân động cơ nào khiến người này lại thực hiện những hành vi như vậy ? cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân của sự việc là do thói háo danh hay có biểu hiện bệnh lý tâm thần bởi một người bình thường sẽ không bao giờ có hành động như vậy . Nếu người này có biểu hiện tâm thần thì có thể trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người này khi thực hiện các hành vi khôi hài và mạo hiểm như vậy.

Sự việc có lẽ bắt đầu từ quá trình tuyển dụng cộng tác viên, tình nguyện viên từ các sinh viên chuyên ngành y và quá trình quản lý những người này để phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh . Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quy trình thủ tục tuyển cộng tác viên, tuyển bác sĩ, về việc quản lý cán bộ bác sĩ tại các cơ sở y tế điều trị F0, các khu cách ly mà bác sĩ giả này đã làm việc để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

Thời điểm giữa năm 2021 là thời điểm thành phố Hồ Chí Minh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, số ca mắc và ca tử vong tăng cao, nhu cầu về nhân lực rất lớn bởi vậy khâu quản lý có thể gặp những sai xót. Tuy nhiên có lẽ không ai nghĩ rằng có người lại mạo danh bác sĩ để thực hiện những hành vi nguy hiểm như vậy.

Nếu là công việc khác, phù hợp với năng lực bản thân thì hành vi này đã khen ngợi, nhưng mạo danh bác sĩ để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thì đây là hành vi nguy hiểm . Người thanh niên này không những không được khen ngợi và còn phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý hình sự với những tội danh khác nhau .

Hành động thiện nguyện, tình nguyện cứu người, giúp đỡ người bệnh đang gặp khó khăn là hành động đáng khen ngợi, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện, thời gian, sức khỏe để tham gia của người. Tuy nhiên, việc cứu người, giúp người phải phù hợp với khả năng, năng lực, trình độ để đảm bảo cứu giúp được những người đang gặp bệnh tật, khó khăn hoạn nạn. Nếu người không đủ năng lực trình độ chuyên môn, không đủ trình khả năng mà lại được giao nhiệm vụ cứu người thì sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Khám chữa bệnh không phải là chuyện đùa, không phải người nào cứ nhiệt tình, dũng cảm là có thể thực hiện được mà đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tương ứng. Khám chữa bệnh là ngành nghề có điều kiện, hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Bởi vậy việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải theo quy định của luật khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình. Người nào thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những người giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ việc này, nhân vật giả mạo thạc sĩ bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.

Nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà người này làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại điều 315 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể: "Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng."

Trường hợp gây thiệt mạng cho 03 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể tới 15 năm tù.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015 và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015. Với nhiều hành vi vi phạm liên tục, kéo dài như vậy thì mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau. Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định Thẻ sinh viên và các văn bản giấy tờ mà người này đã ký vào trong quá trình thực hiện hoạt động thiện nguyện để đánh giá yếu tố pháp lý, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên những vấn đề phát sinh từ dịch bệnh như mua sắm thiết bị, vật tư y tế, quá trình quản lý ngân sách, chi tiêu trong hoạt động khám chữa bệnh và các vấn đề nãy sinh như trong vụ việc này là những vấn đề rất đáng buồn, tuy nhiên theo nguyên tắc là mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Những người vì cộng đồng, có thành tích, công sức thì phải được khen ngợi, còn những người vi phạm thì phải xử lý trước pháp luật để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

comment Bình luận

largeer