Điều trị sớm bệnh lý sa tạng chậu: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ

Khoảng 50% phụ nữ có tình trạng sa tạng vùng chậu, nhiều trường hợp không biểu hiện các triệu chứng mà chỉ có sự thay đổi về mặt giải phẫu. Tình trạng này có thể tác động đáng kể và tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ.
20/07/2024 07:06

Đó là thống kê được đưa ra tại hội nghị về: “Rối loạn chức năng tạng chậu trong bệnh lý sa tạng chậu nữ” do Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Liên chi Hội Sàn Chậu học TP. HCM tổ chức ngày 19/7.

Để hiểu rõ hơn về bệnh lý sa tạng chậu, phương pháp điều trị, phòng ngừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng BS.CKII Lê Ngọc Diệp – Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ.

BS.CKII Lê Ngọc Diệp – Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM

BS.CKII Lê Ngọc Diệp – Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM

Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về bệnh lý sa tạng chậu không ạ?

BS.CKII Lê Ngọc Diệp:

Trước đây nhiều người hay dùng từ “sa sinh dục” thể hiện ở việc tử cung của người phụ nữ bị sa ra ngoài. Tuy nhiên, xét về khía cạnh y khoa nếu chỉ nói “sa sinh dục” sẽ chưa thể hiện hết bản chất của sa tạng chậu, bởi vùng chậu bao gồm cả tử cung, bàng quang, trực tràng.

Sa tạng chậu, còn được gọi là sa tạng vùng chậu, là tình trạng khi một hoặc nhiều cơ quan trong khung chậu (bao gồm bàng quang, tử cung, trực tràng, và một phần ruột) bị tụt xuống hoặc sa vào trong âm đạo. Tình trạng này xảy ra do sự yếu đi hoặc hư hại của các cơ và mô liên kết hỗ trợ các cơ quan này.

Ảnh hưởng của sa tạng chậu gây cản trở đến cuộc sống người phụ nữ rất nhiều. Những phụ nữ bị sa tạng chậu thường có tâm lý mặc cảm, dấu bệnh, đến khi bệnh nặng, gây nên các biến chứng như táo bón, bí tiểu, hoặc gây viêm loét nặng phần tử cung, bàng quang, trực tràng thì người bệnh mới tới khám.

Phóng viên: Yếu tố nguy cơ nào dẫn đến sa tạng chậu, thưa bác sĩ?

BS.CKII Lê Ngọc Diệp:

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng sa tạng chậu, một số yếu tố có thể kể đến như sau:

Tuổi tác: Khi tuổi càng cao làm cho các dây chằng, các cơ và mô liên kết bị giảm đàn hồi.

Mang thai và sinh con: Sự thay đổi về nội tiết, cùng sức nặng của thai kỳ thì sẽ làm sa trễ, yếu các cơ và mô liên kết vùng sàn chậu.

Các hoạt động làm tăng áp lực trong ổ bụng: như ho nhiều, mang các vật nặng…

Táo bón mãn tính: Gây áp lực liên tục lên sàn chậu.

Cắt bỏ tử cung: Phẫu thuật này có thể làm thay đổi cấu trúc và hỗ trợ của sàn chậu, dẫn đến nguy cơ sa tạng chậu.

Một vài lý do khác liên quan tới bệnh lý nội khoa cũng có thể dẫn tới sa tạng châu như: Tiểu đường, béo phì. Cũng có trường hợp phụ nữ chưa sinh con lần nào nhưng do bản chất cơ thể dây chằng đã yếu, dẫn tới tình trạng sa tạng chậu.

Phóng viên: Có những dấu hiệu và triệu chứng như thế nào của bệnh lý này?

BS.CKII Lê Ngọc Diệp:

Sa tạng chậu có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ở vùng chậu, có thể liên quan tới vùng niệu như tình trạng bất thường khi đi tiểu (són tiểu, hay tiểu không tự chủ). Có trường hợp thấy khối sa ra ngoài ở tử cung, bàng quang hoặc trực tràng. Một vài trường hợp thấy có rối loạn ở vùng hậu môn trực tràng, đi đại tiểu khó.

Nhìn chung đối với phụ nữ, tình trạng sa tạng chậu thường gặp nhiều là sa tử cung có đi kèm hoặc không đi kèm vấn đề ở bàng quang và trực tràng.

Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết phương pháp điều trị đối với người bị sa tạng chậu?

BS.CKII Lê Ngọc Diệp:

Điều trị sa tạng chậu có nhiều phương pháp như: Bài tập vật lý trị liệu tăng cường cơ sàn chậu cho phụ nữ sau sinh để hồi phục các gân cơ.

Khi bị sa tạng chậu, bác sĩ sẽ thăm khám để có chỉ định phù hợp, có thể đặt dải lưới để nâng đỡ phần bị sa, hoặc tiến hành nội soi để treo một phần tử cung hoặc một phần trực tràng lên để hạn chế sa trễ, hoặc có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Các trường hợp sa liên quan nhiều tới tử cung, tại bệnh viện Từ Dũ sẽ thực hiện các biện pháp như tập cơ sàn chậu, đặt vòng nâng vùng bị sa, mổ can thiệp ngã âm đạo hoặc nội soi. Rất ít trường hợp mổ hở nên người bệnh hồi phục rất nhanh, ít đau đớn.

Vì tạng vùng chậu là cơ quan có liên quan mật thiết với nhau giữa tiết niêu, sản phụ khoa và hậu môn trực trạng, nên việc điều trị sa tạng chậu cần đánh giá tổng thể khả năng sa trễ và liên quan giữa những cơ quan này, chứ không thể nhìn một cách đơn lẻ từng bộ phận để điều trị.

Phóng viên: Cách nào có thể phòng tránh bệnh lý sa tạng chậu, thưa bác sĩ?

BS.CKII Lê Ngọc Diệp:

Sa tạng chậu liên quan tới vấn đề sinh đẻ, vì vậy phụ nữ nên chủ động giới hạn số lượng sinh con và kiểm soát cân nặng trong thai kỳ. Đồng thời, việc đỡ sinh cho phụ nữ mang thai cũng nên được hướng dẫn bởi nhân viên y tế, bởi họ sẽ biết cách hướng dẫn sản phụ sinh em bé một cách tự nhiên, cố gắng để giữ được cấu trúc vùng chậu. Nếu không được hướng dẫn bởi nhân viên y tế có chuyên môn thì khả năng cao sẽ rách cơ vòng hậu môn, thậm chí có thể dẫn đến rách, đứt trực tràng. Ngoài ra, sau khi sinh con, phụ nữ nên dành thời gian để tập luyện các bài tập về nâng cơ sàn chậu để đề phòng tình trạng sa tạng chậu sau này.

Đối với gia đình có người cao tuổi, những người thân trong gia đình cần quan tâm trò chuyện để biết được họ có đang gặp phải vấn đề về sa tạng chậu hay không. Qua đó giúp các bà, mẹ có thể được đi khám, tư vấn và can thiệp kịp thời.

Hiện nay, đa phần các bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Từ Dũ đều ở giai đoạn sa tạng chậu gần như toàn bộ ra ngoài bàng quang, tử cung hoặc trực tràng. Vì vậy, khi tuổi thọ càng cao, đi kèm các dấu hiệu như són tiểu, tiểu khó, đại tiểu khó, thấy khối sa thập thò ở âm đạo thì cần đi khám sớm.

Các vấn đề của sa tạng liên quan nhiều tới tuổi tác, cho nên việc điều trị sẽ giúp cải thiện và phục hồi chức năng của các cơ quan bị sa trễ, mà khó có thể phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, đối với bệnh lý sa tạng vùng chậu, chúng tôi đề cao vấn đề truyền thông để người bệnh được phát hiện, can thiệp sớm nhất, giúp việc điều trị đưa các chức năng, cấu trúc giải phẫu về gần với tự nhiên nhất.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Ngọc Lan

comment Bình luận

largeer