Do dự và chống đối vaccine, một tình trạng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 4 tuổi, là con thứ ba trong gia đình có ba con, sống tại nội thành Hà Nội. Trẻ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở và tím tái.
27/03/2025 15:20

Đánh giá tình trạng khi nhập viện, kết hợp với các xét nghiệm và thăm dò, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc sởi, tổn thương phổi nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển (acute respiratory distress syndrome - ARDS), đáp ứng viêm toàn thân quá mức trong tình trạng cơn bão cytokine (cytokine storm), cùng các tạng gan, thận và hệ thống tuần hoàn đều có biểu hiện suy sụp.

Một loạt các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực như lọc máu, áp dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) ngay lập tức được các bác sĩ triển khai để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, trẻ đã không qua khỏi.

Điều đáng chú ý là qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy mặc dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG trong vài tuần sau đó. Tất cả các vaccine cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vaccine sởi, trẻ đều không được tiêm. Hỏi thêm về tiền sử tiêm chủng của các trẻ khác trong gia đình, đều có tình trạng tương tự. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine.

Vậy chống đối vaccine hoặc do dự vaccine là gì, thực trạng hiện nay ra sao và hệ lụy của tình trạng này như thế nào?

chongdoi

(Ảnh minh họa)

Do dự vaccine (vaccine hesitancy)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vaccine là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm vaccine mặc dù vaccine đã có sẵn. Đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.

Nguyên nhân phổ biến của do dự vaccine có thể kể đến gồm:

- Một bộ phận trong cộng đồng thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vaccine như lo lắng về an toàn, tác dụng phụ, hay chưa bị thuyết phục về hiệu quả của vaccine.

- Tâm lý chủ quan cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay đã hiếm gặp hoặc không nguy hiểm.

- Ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, từ những thông tin giả, thông tin sai lệch.

- Bên cạnh đó, do dự vaccine có thể do những ảnh hưởng từ tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân (như quan điểm để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên); hoặc từ một vấn đề cá nhân, riêng biệt nào đó làm họ mất niềm tin vào hệ thống y tế.

Do dự vaccine có thể dẫn đến những hậu quả như thế nào?

Bản thân cá thể không được tiếp nhận vaccine mà đáng ra cần phải có sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao và nếu nhiễm bệnh sẽ có diễn biến nặng nề, điều trị khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhất là khi gặp tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Đối với cộng đồng, do dự vaccine làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh (ví dụ: sởi, ho gà, COVID-19…). Do dự vaccine là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây quá tải cho hệ thống y tế khi dịch bệnh quay lại.

Chống đối vaccine (anti-vaccine)

Trong cộng đồng có những nhóm người hoàn toàn bác bỏ vaccine và tích cực tuyên truyền chống vaccine, thường dựa trên những thông tin sai lệch.

Đặc điểm và hành động của nhóm này là phủ nhận hoàn toàn hiệu quả của vaccine; lan truyền thuyết âm mưu (như vaccine gây tự kỷ, vô sinh, giảm dân số,…), đặc biệt là tận dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng xấu trong cộng đồng.

Chống đối vaccine là một tình trạng cực đoan hơn cả do dự vaccine và có tác động rất tiêu cực. Chính vấn đề này làm “lây lan” gia tăng sự do dự tiêm chủng trong cộng đồng. Chống đối vaccine là nguyên nhân gián tiếp gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh.

Thực trạng của do dự và chống đối vaccine hiện nay ra sao?

Tình trạng do dự vaccine và chống đối vaccine đang là mối quan tâm toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng.

Trên thế giới, theo báo cáo của UNICEF, trong hơn ba năm đại dịch COVID-19, có 67 triệu trẻ em trên toàn cầu bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vaccine do gián đoạn dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế quá tải và thông tin sai lệch.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ miễn trừ vaccine đã tăng từ 1% năm 2006 lên 2% trong năm 2016-2017 và tiếp tục tăng lên 2,6% trong năm 2021–2022. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine cao hơn ở những trẻ có cha mẹ từ chối một hoặc nhiều loại vaccine vì lý do phi y tế.

Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều điều tra và nghiên cứu về tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine. Một nghiên cứu tại huyện Bình Lục, Hà Nam  cho thấy tỷ lệ do dự tiêm vaccine phòng COVID-19 là 25,1%. Nguyên nhân chính bao gồm lo ngại về tác dụng phụ, thiếu thông tin và tin tưởng vào miễn dịch tự nhiên. Và có một thực tế là làn sóng “anti vaccine” xuất hiện trên mạng xã hội, với các nhóm kêu gọi không tiêm chủng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.

Các giải pháp ứng phó với do dự và chống đối vaccine

Do dự vaccine có thể được khắc phục bằng giáo dục và tư vấn, trong khi nhóm chống đối vaccine thường khó thay đổi hơn. Việc nâng cao nhận thức về lợi ích của vaccine là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

- Giáo dục cộng đồng bằng thông tin khoa học, dễ hiểu. Cung cấp thông tin chính xác, minh bạch về lợi ích và an toàn của vaccine. Truyền thông minh bạch để xây dựng niềm tin. Tổ chức các chương trình giáo dục, cộng đồng để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng.

- Tăng cường sự tham gia của nhân viên y tế, vì cán bộ y tế là người có ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêm chủng của bệnh nhân.

- Kiểm soát tin sai lệch trên mạng xã hội thông qua hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin không chính xác về vaccine.

Việc đối phó với tình trạng do dự và chống đối vaccine đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, truyền thông và cộng đồng để đảm bảo sức khỏe cho toàn dân. Cần xem xét đưa vấn đề do dự và chống đối vaccine như một vấn đề sao nhãng với sức khỏe và quyền lợi của trẻ em.

TS.BS. Lê Kiến Ngai
Trưởng Khoa Dự phòng và KSNK, Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer