Doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi xanh: Cộng đồng là nền tảng cho phát triển bền vững

Ngày 20/5, tại Hà Nội, hội thảo “Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh, gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
20/05/2025 14:09

Từ yêu cầu hội nhập đến ý thức cộng đồng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Với Việt Nam, một nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp không chỉ là con đường giữ vững lợi thế cạnh tranh, mà còn là cách cộng đồng doanh nghiệp góp phần quan trọng trong việc gìn giữ môi trường sống và nâng cao chất lượng đời sống xã hội.

Empty

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), chuyển đổi xanh không chỉ là vấn đề tuân thủ, mà còn là một chiến lược phát triển bền vững. Việc áp dụng các mô hình sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn mà còn xây dựng được hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng và khách hàng.

Chuyển đổi xanh là một quá trình đòi hỏi nhiều nguồn lực – từ tài chính, công nghệ đến nhân lực và tư duy quản trị. Vì thế, không một doanh nghiệp nào có thể đơn độc trên hành trình này. Họ cần sự đồng hành từ toàn bộ hệ sinh thái: cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, tổ chức khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu, và đặc biệt là người tiêu dùng.

Empty

Quang cảnh diễn đàn

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn khi tiếp cận công nghệ xanh do chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu thông tin hướng dẫn cụ thể hoặc khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các chuyên gia khuyến nghị rằng Chính phủ cần hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, trong đó có việc minh bạch hóa các quy định về thuế carbon, xây dựng hệ thống tín chỉ carbon quốc gia và đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận.

Mặt khác, các tổ chức trong và ngoài nước cũng có thể đóng vai trò là cầu nối, cung cấp tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, hoặc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng về sản xuất bền vững. Những mô hình liên kết cộng đồng – doanh nghiệp – nhà nước đã thành công tại nhiều quốc gia có thể được học hỏi và áp dụng linh hoạt tại Việt Nam.

Kết nối cộng đồng vì mục tiêu phát triển bền vững

Chuyển đổi xanh không phải là con đường ngắn hạn. Đó là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và cam kết lâu dài từ các doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng. Một nhà máy giảm phát thải không chỉ bảo vệ môi trường địa phương, mà còn góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một doanh nghiệp sản xuất sạch, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì sức khỏe của cộng đồng và thế hệ tương lai.

Quan trọng hơn, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng ủng hộ những sản phẩm thân thiện với môi trường. Hành vi tiêu dùng này là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức cộng đồng. Doanh nghiệp nào bắt kịp xu hướng này sẽ chiếm ưu thế không chỉ về thị trường mà còn về niềm tin xã hội.

Chuyển đổi xanh không thể thành công nếu chỉ dừng ở cấp độ doanh nghiệp hay chính sách. Đó là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi người tiêu dùng, mỗi nhà đầu tư đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu thế sản xuất – tiêu dùng xanh.

Nguyễn Nghị - Thanh Tùng

comment Bình luận