Đức: Phát hiện mới về ảnh hưởng của COVID-19 tới trẻ nhỏ

Theo nhóm chuyên gia tại Đức, não bộ của trẻ do bà mẹ từng mắc COVID-19 (ở mức độ nhẹ đến trung bình) sinh ra vẫn phát triển bình thường.
07/12/2021 15:41

Nghiên cứu do tiến sĩ Sophia Stocklein và các cộng sự tại khoa X-quang, Đại học Ludwig Maximilian, Munich, Đức, thực hiện. Các tác giả trình bày bài báo này tại hội nghị của Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ (RSNA) ngày 1/12.

Nghiên cứu hiếm hoi về tác động của COVID-19 từ mẹ sang con

Hai năm sau đại dịch, nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai dễ nhiễm nCoV hơn. Tuy nhiên, vẫn còn ít nghiên cứu về hậu quả có thể xảy ra với thai nhi nếu người mẹ mắc COVID-19 trong quá trình mang thai.

Theo Medscape, tiến sĩ Sophia và cộng sự đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ thai nhi để theo dõi 33 bà mẹ mắc COVID-19. Trung bình, các bà mẹ đang mang thai ở tuần thứ 28. Đa số khởi phát triệu chứng mắc COVID-19 khi đã mang thai khoảng 18 tuần.

Triệu chứng thường gặp nhất ở những sản phụ này là mất hoặc giảm khứu giác, vị giác, ho khan, sốt, khó thở. Họ đều mắc COVID-19 ở tình trạng nhẹ đến trung bình.

Hai bác sĩ chụp cộng hưởng từ cho 33 sản phụ là những người có kinh nghiệm nhiều năm trong siêu âm và nhi khoa. Họ đánh giá kết quả quét MRI bề mặt não và không gian chứa các chất lỏng, đồng thời tìm kiếm những dấu hiệu tiềm ẩn như sưng, canxi hóa não. Hai vị chuyên gia phát hiện não bộ thai nhi phát triển hoàn toàn bình thường, tất cả cấu trúc thân não phù hợp với giai đoạn, tháng tuổi của chúng.

49

Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia Đức được cho là giúp trấn an các bà mẹ từng mắc COVID-19

Kết quả này không có nhiều khác biệt so với những thai nhi bình thường khác. Nhìn chung, họ không phát hiện điều gì bất thường ở não bộ, cho thấy nCoV không gây ảnh hưởng tới cơ quan này của thai nhi khi bà mẹ mắc COVID-19.

"Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có bằng chứng nào cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 ở mẹ có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Điều này có thể giúp các phụ huynh tạm thời yên tâm", tiến sĩ Sophia Stocklein nói thêm.

Hiện tại, 22 trong số 33 thai nhi chào đời và hoàn toàn khỏe mạnh. Toàn bộ em bé sẽ được theo dõi trong 5 năm kể từ khi chào đời để đánh giá những tác động lâu dài của COVID-19 tới não bộ, hệ thần kinh.

Theo tiến sĩ Sophia, nhiều phụ nữ nhiễm nCoV khi mang thai lo ngại virus có thể ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi cũng như khoảng thời gian trưởng thành sau này. Một số báo cáo cho thấy em bé có thể nhiễm nCoV do mẹ truyền sang. Song, bà Sophia nhấn mạnh khả năng và tác động khi nCoV truyền từ mẹ sang thai nhi vẫn chưa rõ ràng.

“Do đó, nghiên cứu nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống kiến thức về tác động của việc mắc COVID-19 ở mẹ với sự phát triển trí não của thai nhi”, vị chuyên gia chia sẻ.

Chỉ đúng với bà mẹ mắc COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình

Đây cũng là điều mà bà Sophia Stocklein nhấn mạnh khi công bố kết quả nghiên cứu. Bởi đối tượng nghiên cứu của họ là những bà mẹ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến trung bình, có thể tự chữa COVID-19 tại nhà và không phải nhập viện.

Họ không đưa các bà mẹ mắc COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch, vào nghiên cứu bởi rất khó để tách biệt tác động trực tiếp của việc nhiễm nCoV với tác động gián tiếp từ yếu tố khác lên trẻ khi chào đời.

Vị chuyên gia đồng thời cảnh báo: “Tình trạng mắc COVID-19 nghiêm trọng ở sản phụ tới sự phát triển não bộ của thai nhi vẫn chưa được xác định. Do đó, chúng ta vẫn cần các biện pháp phòng dịch triệt để nhằm bảo vệ bà bầu không mắc COVID-19. Điều này rất quan trọng”.

Điểm hạn chế của nghiên cứu đó là phương pháp chụp cộng hưởng từ thai nhi chỉ cho thấy hình ảnh cấu trúc não mà không thể dự đoán nó có thể bị ảnh hưởng về chức năng trong thời gian tới hay không. Đây cũng là lý do để nhóm nghiên cứu quyết định sẽ theo dõi những đứa trẻ thêm 5 năm sau khi chúng chào đời.

“Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào nghiên cứu COVID-19 ảnh hưởng thế nào tới những phụ nữ mang thai. Các bà bầu mắc COVID-19 nghiêm trọng thường bị sinh non, huyết áp cao và dễ băng huyết sau sinh. Những biến chứng ở thai kỳ khi phụ nữ mắc COVID-19 có hại cho cả mẹ lẫn bé”, tiến sĩ Sophia nói thêm.

48

Mắc Covid-19 khi mang thai khiến bà mẹ lẫn trẻ đều có thể gặp biến chứng nguy hiểm

Trước đó, hai nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 19/11 cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm biến chủng Delta có nguy cơ bị tử vong khi sinh, thai chết lưu cao hơn.

Trước đại dịch, tỷ lệ thai chết lưu rất hiếm chỉ 0,59%. Sau đại dịch, tỷ lệ này ở sản phụ không mắc COVID-19 cũng không tăng quá nhiều, chỉ ở mức 0,64%. Tuy nhiên, ở những phụ nữ mang thai kèm theo mắc COVID-19, con số này tăng lên 0,98%, theo báo cáo từ CDC.

Điều đáng lo hơn nữa, khi biến chủng Delta chiếm đa số trong các ca bệnh tại Mỹ vào tháng 7, tỷ lệ thai chết lưu tăng lên theo cấp số nhân với 2,7%.

Bên cạnh đó, nCoV có thể gây tử vong cho bà mẹ, đặc biệt khi các sản phụ có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, mắc bệnh lý mạn tính khác.

Ngày 30/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành hướng dẫn cập nhật về tiêm chủng vaccine COVID-19. Trong bản cập nhật mới nhất, lần đầu tiên CDC Mỹ cảnh báo khẩn cấp về việc tất cả phụ nữ mang thai đều nên tiêm vaccine COVID-19.

Trong hướng dẫn mới, CDC khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai (không phân biệt tuần tuổi của thai nhi), đang cho con bú, người sắp có bầu hoặc muốn mang thai trong tương lai, hãy tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Dữ liệu từ Mạng lưới giám sát về nhập viện liên quan COVID-19 (COVID-NET) cho thấy khoảng 97% bà bầu phải nhập viện khi mắc COVID-19 đều chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, nguy cơ nhập viện, ở những phụ nữ mang thai chưa được tiêm chủng cao gấp 2 lần; nguy cơ tử vong tăng 70%.

Bên cạnh những rủi ro về bệnh nặng, tử vong, những người mang thai còn có nguy cơ cao bị sinh non, thai chết lưu, rối loạn đông máu, trẻ dễ gặp vấn đề nguy hiểm khác như nhiễm trùng, phải điều trị hồi sức cấp cứu.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer