Gần như 100% người lên cơn dại đều tử vong

Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm nay ở hầu hết các tỉnh thành. Đây là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ tử vong gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
01/11/2023 16:26

1. Trẻ em bị súc vật cắn gia tăng trong thời gian gần đây

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại Phòng Khám – Tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, với 271 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại, trong đó trên 70% trường hợp ở Hà Nội và gần 68% là trẻ dưới 15 tuổi. Việc tiêm phòng vaccine dại được thực hiện cho 326 đối tượng với 679 liều tiêm, trẻ dưới 15 tuổi chiếm chủ yếu (khoảng 60%). Số mũi tiêm vaccine phòng dại trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn.

Empty

Theo các số liệu thông kê, hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 59.000 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người, chủ yếu ở châu Á (59,6%) và châu Phi (36,4%). Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, thời gian qua, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~ 42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại. Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại…

2. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh do vi rút lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này. Bệnh dại hiện diện ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, và hơn 95% số ca tử vong ở người xảy ra tại châu Á và châu Phi.

3. Dự phòng bệnh dại như thế nào?

Empty

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

3.1. Kiểm soát bệnh dại ở động vật (đặc biệt ở chó)

Tiêm vaccine cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con.

Phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn: không tạo ra hoàn cảnh cho chó cắn; đeo rọ mõm cho chó khi ra đường; xích hoặc nhốt chó khi có người lạ đến gia đình…

3.2. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh dại hiệu quả nhất hiện nay

Dự phòng bệnh dại trước khi phơi nhiễm (tiếp xúc)

Đối tượng khuyên dùng: Tiêm vaccine dự phòng trước khi tiếp xúc cho những người có nguy cơ, bao gồm các bác sĩ thú y, người vận chuyển thú vật, người thám hiểm hang động, công nhân xử lý vi rút và những người đi du lịch đến các vùng lưu hành dịch,…

Lịch tiêm:

Tiêm bắp liều 0,5 ml: vào các ngày 0, 7, 28 (hoặc 21)

Trong da liều 0,1ml: vào ngày 0, 7, 21 (hoặc 28) (Ngày 0 là ngày tiêm mũi đầu tiên)

Hiệu quả: lâu dài, tuy nhiên với các đối tượng tiếp xúc thường xuyên với vi rút thì sau 6 tháng nên kiểm tra kháng thể, nếu kháng thể < 0,5 IU/ml thì phải tiêm nhắc lại 1 mũi.

Dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm

Phơi nhiễm với bệnh dại là trường hợp người bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, liếm hoặc bị nước bọt của động vật nghi dại dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bộ phận sinh dục) hoặc các phơi nhiễm với bệnh phẩm/vi rút dại tại phòng thí nghiệm.

Cần làm gì khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước,…

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 700C hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

- Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.

Phác đồ tiêm bắp cho những người chưa tiêm phòng dại

Chỉ định: tất cả mọi người (không có chống chỉ định). Người lớn và trẻ em tiêm liều lượng như nhau.

Kỹ thuật tiêmtiêm bắp, người lớn tiêm ở vùng cơ delta cánh tay. Trẻ nhỏ tiêm ở mặt trước ngoài đùi.

Liều lượng: 0,5 ml/liều.

Phác đồ tiêm 5 liều: vào ngày 0 (ngày tiêm mũi đầu tiên), 3, 7, 14 và 28 (tính từ mũi tiêm thứ nhất).

4. Một số nguyên nhân thất bại trong điều trị dự phòng bệnh dại

Tiêm vaccine không đúng vị trí (tiêm mông).

Tiêm huyết thanh kháng dại cùng vị trí với vaccine dại.

Không sử dụng huyết thanh kháng dại khi có chỉ định.

Không làm sạch ngay vết thương.

Không thấm đẫm/phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

Điều trị muộn.

Trên cơ địa người suy giảm miễn dịch.

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. vaccine phòng dại được sản xuất từ vi rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rabies

2. K. Hampson et al., “Estimating the Global Burden of Endemic Canine Rabies,” PLoS Negl Trop Dis, vol. 9, no. 4, p. e0003709, Apr. 2015, doi: 10.1371/journal.pntd.0003709. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4400070/

3. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại” lần thứ 17 (vncdc.gov.vn)

4. Chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh dại.

BS Đinh Thị Vân Anh, Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn,

Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer