Gia đình – Nơi chốn bình yên

“Có một nơi để tìm về đó là nhà. Có những người để yêu thương đó là gia đình. Có được cả hai đó là hạnh phúc”. Người Việt Nam đều có một mục đích cuối cùng là xây dựng gia đình yên vui, hạnh phúc, cộng đồng no ấm với những mỹ tục đáng yêu của dân tộc hòa chung trong dòng chảy văn hóa gia đình của nhân loại, để mang lại xã hội phát triển, quốc gia phồn thịnh.
28/06/2024 09:57

“Gia đình hạnh phúc” - sự tổng hòa của những phẩm hạnh  

Các nhà nghiên đã thống nhất rằng trong lịch sử của loài người, quan hệ nhân loại đã bắt đầu từ quan hệ trong gia đình. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên, gia đình được xem là “tế bào của xã hội, một thiết chế cơ sở, đặc thù của xã hội và bảo tồn nòi giống; tạo ra kinh tế; tổ chức đời sống tập thể; có chức năng giáo dục; thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý và tình cảm...”. Trong tâm thức người Việt, từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành hòa mình vào sắc màu của cuộc sống, bộn bề công việc giữa đời thường, nhưng mối quan hệ với gia đình vẫn được duy trì một cách bền chặt như một giá trị vĩnh hằng, bất biến.

image-20221029195701-2

(Ảnh minh họa)

Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người chiếm vị trí quan trọng. Ở đó, mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm, phải thực hiện những bổn phận nhất định. Nề nếp, gia phong trong mỗi gia đình người Việt truyền thống có thể khác nhau, song nhìn chung đều gắn với những phẩm chất cụ thể. Trong quan hệ phụ - tử, người Việt đề cao lòng nhân từ của bậc làm cha mẹ, đề cao chữ hiếu của con cái. Trong quan hệ huynh - đệ, người Việt dạy người làm anh phải yêu thương em, người làm em phải kính trọng anh. Đối với quan hệ phu - phụ, người Việt lấy chữ “hòa” dạy cho người làm chồng, chữ “thuận” dạy cho người làm vợ. Trong đó, chữ “hiếu” đặc biệt được đề cao và được coi là phẩm chất đứng đầu trong mọi đức hạnh. Điều làm nên giá trị chuẩn mực chính là gia thế, gia phong của gia đình với những quy định về lễ nghĩa chặt chẽ trong tất cả các mối quan hệ của các thành viên, như: quan hệ với ông bà, tổ tiên, quan hệ giữa con cái với cha mẹ, quan hệ vợ chồng, quan hệ anh chị em, và trong các mối quan hệ xã hội, như: đất nước, vua, hàng xóm, bạn bè…

Do đó, tuy mục đích cuối cùng của mỗi gia đình người Việt truyền thống là hướng đến sự bình yên, hạnh phúc, nhưng để đạt được những điều đó thì các thành viên trong gia đình phải mang lại những giá trị về đạo đức, nhân phẩm, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Bởi lẽ, người Việt truyền thống thường lấy hình ảnh gia đình để hình dung xã hội, cho nên, mẫu hình chuẩn mực của người xưa thường là những người hiếu học, sống nhân nghĩa, đạo đức, có trật tự trên dưới, biết tôn trọng và có tinh thần tương thân tương ái. Từ đó, định hướng được những giá trị chuẩn mực cho xã hội phát triển thịnh vượng, bền vững.

“Quốc gia thịnh vượng” từ những nét đẹp văn hóa gia đình

Mặc dù theo thời gian có sự biến đổi nhất định, nhưng gia đình Việt Nam đương đại vẫn có những giá trị và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Một nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp đã khẳng định rằng: “Gia đình Việt Nam vẫn là nơi chuyển giao và thực hiện các giá trị văn hóa truyền thống”. Những cuộc điều tra xã hội học cho thấy gia đình vẫn là giá trị ưu tiên trong xã hội ta. Linh hồn của nó là thờ cúng tổ tiên vẫn còn thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, bất kể giàu nghèo, sang hèn, thuộc mọi tôn giáo kể cả đối với người vô thần.

Tuy vậy, trong trào lưu hội nhập và nhất là quá trình “toàn cầu hóa” hiện nay, người Việt cần phải lấy giá trị gia đình làm giá trị trung tâm trong mọi giá trị của đời sống văn hóa xã hội, tạo sức mạnh cho toàn xã hội. Biết chọn lọc con đường riêng cho mình, hướng tới phục vụ cho con người và cộng đồng. Đó chính là những giá trị về sự tôn trọng đạo đức làm người, lối sống, cách sống được chắt lọc từ truyền thống và tiếp nhận những giá trị mới của hiện đại, ra sức học tập, nâng cao năng lực nhận thức và trí tuệ của con người Việt Nam.

Ngày nay, với nhiệm vụ xây dựng con người mới, không những phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình mà còn phải phát huy tính tích cực của nó. Giáo dục gia đình còn chú trọng đến tình thương yêu đồng loại, lẽ phải, sự hoà thuận, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau. Phải biết “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.  Bên cạnh đó, việc tạo được môi trường sống trong gia đình lành mạnh, một không gian văn hóa gia đình ấm cúng, tràn đầy tính truyền thống, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, hy sinh cho nhau, chứ không phải là sự so đo, ganh tỵ, không đặt lợi ích cá nhân, mục đích kinh tế, tiền bạc trên các mối quan hệ, ứng xử trong gia đình. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cho các thành viên trong gia đình ý thức được rằng việc tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình đó không chỉ là nghĩa vụ của mỗi người mà còn là nhu cầu cần thiết của cuộc sống.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Hy vọng rằng, kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam hằng năm, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, ở từng gia đình đều có thể phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời cũng hướng đến những giá trị chung của nhân loại, phát triển kinh tế có chiều sâu của văn hóa, lan tỏa những giá trị dân tộc, từ đó mang lại giá trị hạnh phúc cho mỗi gia đình, cho cộng đồng xã hội và tất yếu dẫn đến một quốc gia phát triển bền vững và thịnh vượng.

Ths. Nguyễn Hiếu Tín

comment Bình luận

largeer