Gia Lai: Liên tiếp ca cấp cứu do rắn độc cắn

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã tiếp nhập gần chục bệnh nhân đến cấp cứu do bị rắn độc cắn. Nhiều trường hợp nguy kịch phải chuyển đến Khoa Hồi sực tích cực chống độc để điều trị.
06/08/2023 14:58

Hiện nay Gia Lai đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm các loài rắn sinh sôi, phát triển nên số trường hợp nhận viện do rắn cắn cũng gia tăng.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) hiện đang điều trị cho 3 trường hợp bị rắn độc cắn; trong đó, 2 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, 1 trường hợp bị rắn hổ mèo cắn. Các trường hợp này được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch.

Một trường hợp được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch

Một trường hợp được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch

Chị Nguyễn Thị Thùy Trâm- tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh cho biết: Tôi đang ở nhà thì bị rắn lục đuôi đỏ bò vào cắn. Sau khi bị cắn tôi đau nhức khắp khu vực rắn cắn, tim đập không đều, khó thở… nên lập tức chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Qua điều trị, hiện tình trạng đã ổn định.

Cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn, chị Ban- thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa chia sẻ: Tôi đi làm thuê tại huyện Ia Grai, lúc làm cỏ không biết trong bụi cỏ có rắn nên bị rắn cắn vào tay. Sau đó, tôi được mọi người đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai và chuyển tiếp xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Lúc mới bị cắn thì chỉ bị đau lâm râm sau đó cơn đau tăng dần lên làm tê hết cả chân tay. Hiện qua điều trị, tôi đã đỡ hơn nhiều, đã qua nguy hiểm”- chị Ban nói.

Trường hợp chị Cao Thị Liệp- thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum bị rắn độc cắn. May mắn được phát hiện kịp thời và sơ cứu đúng cách nên thoát cơn nguy kịch. Chị Liệp kể: Hôm đó, tôi chuẩn bị đi làm nên mang mặc bảo hộ lao động. Lúc mang ủng, tôi đã cẩn thận giũ vài lần nhưng không thấy gì nên mang ủng vào. Tuy nhiên có con rắn hổ mèo ở trong ủng nên bị nó cắn. May mắn là lúc đó nhà có người, sơ cứu rồi chở tôi lên trên Trung tâm Y tế huyện và chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. “Khu vực tôi ở cũng có nhiều rắn độc như rắn lục đuôi đỏ, rắn hổ mẻo… nên tôi cũng rất cẩn thận phòng tránh nhưng vẫn tránh không được”- chị Liệp bộc bạch.

Theo thống kê, thời gian qua, số bệnh nhập nhập viện do rắn độc cắn có chiều hướng gia tăng. Trong năm 2022, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) tiếp nhận 86 ca rắn cắn nhập viện điều trị; từ đầu năm 2023 đến nay khoa này cũng ghi nhận 26 ca bị rắn cắn nhập viện. Đặc biệt, chỉ 2 tuần qua đã có gần chục trường hợp cấp cứu do bị rắn độc cắn.

Bác sĩ Kiều Văn Bước -Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) thông tin: Đa số là bị rắn lục, rắn chàm quạp, rắn hổ cắn, trong đó có một số trường hợp nhập viện muộn và dùng thuốc nam dẫn tới biến chứng hoại tử nặng nề và phải chuyển tuyến trên điều trị. Có trường hợp đến viện muộn, khi vào viện thì đã ở tình trạng chết não gia đình xin về. “Hàng năm, tầm tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn với các mức độ khác nhau. Mùa hè là mùa sinh sôi phát triển của rắn do đó người dân cần đề cao cảnh giác, đề phòng rắn độc cắn, nhất là trong mùa mưa. Các trường hợp không may bị rắn cắn phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, chữa trị kịp thời. Đề phòng rắn cắn, người dân khi lao động ở rừng rẫy cần mang ủng, găng tay, bảo hộ lao động khi làm việc”- bác sĩ Bước khuyến cáo.

Theo bác sĩ Bước, khi bị rắn cắn cần thực hiện đúng các biện pháp sơ cứu để làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn, ít hơn và phải đưa ngay tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Theo đó, cần thực hiện các bước sơ cứu: Cần trấn an người bị rắn cắn giữ tâm lý bình tĩnh, không nên tự đi lại, hạn chế cử động, để tránh cho nọc độc lan nhanh. Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, ngay cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện. Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước. Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt, ít nhất trong 12 giờ đầu. Tuyệt đối không áp dụng những bài thuốc dân gian để sơ cứu người bị rắn cắn. Không sử dụng băng garo cột chặt vùng bị rắn cắn để cản trở lưu thông máu đến các chi gây hoại tử. Không tự ý chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương hoặc uống thuốc. Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc để tránh làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Sau các bước sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhận đến bệnh viện để được điều trị.

Dũng Nguyễn

comment Bình luận

largeer