Gia Lai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch số 1488 /KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
18/06/2024 14:31

Mục đích của kế hoạch nhằm thống nhất chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết số 32/NQ-CP đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và các đơn vị.

Theo đó, kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; Tiếp tục tuyển dụng hết số lượng người làm việc được giao cho tỉnh Gia Lai tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 990/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt “Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2021-2025) của tỉnh Gia Lai" và Quyết định số 1A/QĐ-UBND ngày 01/01/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025" của tỉnh Gia Lai.

SGK

(Ảnh minh họa: Gialai.gov)

Tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; Phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018; Quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng, bảo quản hiệu quả trang thiết bị dạy học của nhà trường, gắn trách nhiệm bảo quản sử dụng có hiệu quả cho từng giáo viên, nhân viên được phân công phụ trách liên quan đến thiết bị dạy học của từng môn học.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo. Bố trí đầy đủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt. Xây dựng phương án và triển khai thực hiện việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Kế hoạch số 390/KH-BGDĐT ngày 22/4/2024 của Bộ GDĐT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 32/NQ-CP và Kế hoạch này thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Mai Đào

comment Bình luận

largeer