Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gắp dị vật là mảnh xương cá hình răng cưa trong thực quản của bệnh nhân 57 tuổi

Vừa qua, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 tiếp nhận bệnh nhân N.T.V (57 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nuốt vướng vùng cổ, vẫn sinh hoạt bình thường, không ho hay đi ngoài ra máu, không sốt.
22/09/2023 09:14

Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh nhân đang điều trị cấy răng giả Implant, giai đoạn chờ lắp 3 răng hàm giả. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân ăn cá, sau ăn 5 hôm thấy sốt nhẹ, đau vùng cổ và ngực, ăn uống khó.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nội soi thực quản cho bệnh nhân bằng ống mềm dưới gây tê, xác định dị vật xương cá cách cung răng 22 cm. Các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật xương cá qua nội soi nhưng do mảnh xương có kích thước lớn, hình thái phức tạp và đã được 5 ngày nên không gắp được, nghi ngờ có thủng thực quản.

t1

Dị vật là mảnh xương cá

Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Ngoại ống tiêu hóa. Tại đây, bệnh nhân đã được thăm khám lâm sàng và chụp CT-Scaner xác định chưa có biến chứng thủng thực quản.

Sau đó, bệnh nhân đã được đánh giá tổn thương và phẫu thuật bằng ống cứng. Dưới gây mê nội khí quản, đặt ống cứng vào thực quản bộc lộ, thấy dị vật nằm ở 1/3 trên thực quản dạng xương cá hình răng cưa, kích thước lớn, mảnh xương nằm ngang, cắm chặt vào 2 thành thực quản.

Sau 45 phút, các bác sĩ đã lấy thành công dị vật, kiểm tra không chảy máu, không thủng thực quản. Ekip tiếp tục kiểm tra xuống phía dưới thực quản đến tâm vị không còn dị vật, đặt ống sonde dạ dày.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi nguy cơ thủng thực quản thứ phát và được ra viện ngày thứ 6.

Theo TS.BS Nguyễn Tài Dũng, Khoa Tai Mũi Họng, dị vật đường ăn uống là một cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở người lớn và trẻ em, ở người lớn thường gặp nhiều hơn. Nếu không được điều trị sớm, kịp thời, dễ gây nên các biến chứng sớm nguy hiểm, dễ tử vong. Ở trẻ em, dị vật đa số là đồng xu, mảnh đồ chơi, sau mới đến thức ăn. Ở người lớn thường là xương cá, xương gà, mảnh thức ăn. Các tổn thương nếu không lấy kịp thời có thể áp xe quanh thực quản, nặng có thể làm thủng thực quản. Trường hợp xương nằm ở vị trí sát quai động mạch chủ có thể nguy hiểm đến tính mạng khi gắp xương.

TS.BS Nguyễn Tô Hoài, Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa cho biết, những trường hợp cấp cứu nuốt dị vật đường tiêu hoá, xương cá là dị vật thường gặp nhất. Trong đó, nhiều trường hợp nạn nhân không biết đã nuốt dị vật. Nếu di chuyển xuống theo đường tiêu hoá, các dị vật như xương cá, tăm xỉa răng hoặc các vật sắc nhọn có thể xuyên thủng ruột ra ổ bụng hoặc tạo ổ nhiễm trùng trong ổ bụng, lồng ngực.

Bác sĩ Hoài cũng khuyến cáo cần thận trong khi ăn những đồ ăn có xương, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong giai đoạn làm răng giả không ăn nhai được như bình thường để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật. Bên cạnh đó, trong hoặc sau bữa ăn, nhất là khi đang ăn các loại thức ăn có xương cứng và sắc, nếu thấy đau đột ngột ở họng, ngực, bụng thì nên nghĩ đến khả năng đã nuốt  đừng cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho "trôi" vì có nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm. 

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer