Hà Nội: Biến chứng đái tháo đường, 1 bệnh nhân nam bị hoại tử nhiễm trùng chân nghiêm trọng

Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam bị loét hoại tử nhiễm trùng cẳng bàn chân trái kèm theo bệnh nền.
10/01/2024 14:30

Bệnh nhân nam V.Q.T. (53 tuổi, trú tại Hà Nội) vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng nặng, viêm phổi, suy tim, đái tháo đường type 2, suy kiệt cơ thể, vết thương bàn cẳng chân trái hoại tử lan rộng với tổn thương nặng nề.

Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền đi kèm như mắc đái tháo đường 15 năm, tăng huyết áp 3 năm. Hai năm trước đã từng phải cắt cụt 1/3 trên đùi phải do liên quan tới biến chứng đái tháo đường.

aa

Bàn chân hoại tử của bệnh nhân

Bệnh nhân đã được điều trị tích cực và toàn diện tại Khoa Điều trị tích cực và Khoa Chăm sóc bàn chân như điều trị nội khoa, hồi sức, bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc ngoại khoa cắt lọc vết thương hàng ngày, phẫu thuật ghép da. Bệnh nhân còn được áp dụng các biện pháp điều trị vết thương tiên tiến như hút áp lực âm tưới rửa hai chiều, đắp băng ngạc chuyên dụng, chiếu tia plasma lạnh… 

Sau 1 tháng điều trị, vết thương và toàn trạng ổn định, bệnh nhân được xuất viện và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi trở về nhà, bệnh nhân không tuân thủ các yêu cầu trong phòng và điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ nên đã xảy ra tình trạng vết thương ở bàn chân chảy dịch, tổn thương nặng kèm theo xuất hiện mệt mỏi nhiều, hoa mắt, chóng mặt, khó thở. 

Dựa trên quá trình thăm khám và kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng bàn chân trái, viêm xương, theo dõi nhiễm khuẩn huyết, thiếu máu mức độ nặng, suy tim, tràn dịch đa màng trên nền bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tắc động mạch chi dưới.

Ths.BS Tôn Thất Kha, Trưởng Khoa Điều trị tích cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được tiến hành cho thở oxy, phối hợp điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết, truyền khối hồng cầu, sử dụng kháng sinh, bổ sung dinh dưỡng, rửa vết thường cùng những hỗ trợ khác. 

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng tổn thương, nhiễm trùng của bệnh nhân đã cải thiện, đường huyết ổn định, sinh hoạt ăn uống dần trở lại bình thường.

Trường hợp bị tắc động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Đáng chú ý, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương. 

"Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn", Ths.BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân chia sẻ.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer