Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do số lượng người đến/về Hà Nội gia tăng

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do số lượng người đến/về Hà Nội gia tăng. Ngoài ra còn có tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
04/11/2021 06:38

Ngày 3/11, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo Thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Đề nghị tiêm vaccine cho học sinh tại trường

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đến nay, các giáo viên hoàn thành tiêm mũi 1 đạt 97,06%; tiêm mũi 2 đạt 72,85%. Có 27 đơn vị trường được trưng dụng làm cơ sở cách ly.

Từ ngày 8/11, ưu tiên cho học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được học trực tiếp tại trường. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc cho học sinh trở lại trường học phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh…

Thời gian vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế bàn các giải pháp tiêm vaccine cho học sinh trên tinh thần của Ban Chỉ đạo Thành phố. Trước mắt, sẽ tiêm vaccine cho học sinh khối lớp 12 (17 tuổi), tiếp theo là lớp 11 và 10. Kiến nghị tổ chức tiêm cho học sinh cấp trung học phổ thông tại trường để tránh bỏ sót các trường hợp.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TPCC

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TPCC

Kiểm soát tốt người dân đi/đến

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do số lượng người đến/về Hà Nội gia tăng. Ngoài ra còn có tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…

Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến/về địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người dân từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến tổng đài 1022.

Theo Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng, phải kiểm soát tốt người dân đi/đến thì thành phố mới có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Công an Thành phố, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch. 

Tiếp tục tăng cường nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung điều trị. Các địa phương tiếp tục kiện toàn liên quan đến việc truy vết, cách ly, xét nghiệm và sàng lọc nơi nguy cơ cao. Giao Sở Y tế thành lập tổ công tác khi xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng để khẩn trương dập dịch…

Đối với việc quay lại trường học, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng mọi điều kiện theo đúng quy định. Đặc biệt, giao Sở Giáo dục phối hợp Sở Y tế xây dựng hướng dẫn cho các đơn vị khi có các tình huống xảy ra. Chú trọng đến công tác y tế học đường nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường…

Các địa phương, nhà trường tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và phải đảm bảo an toàn.

Song, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng nêu, thời điểm Thành phố ban hành văn bản đồng ý chủ trương cho học sinh đi học trở lại là lúc số ca dương tính hằng ngày khoảng trên dưới 10 ca. Tuy nhiên, từ tuần này, số ca bệnh tăng, do đó nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên thì Thành phố sẽ có điều chỉnh linh hoạt.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer