Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 20/11/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội.
20/11/2024 16:06

Ban Chỉ đạo do đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố, làm Trưởng Ban. Đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, làm Phó Trưởng ban Thường trực. Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Phó Trưởng ban. Chánh Thanh tra Thành phố, làm Ủy viên Thường trực.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có các thành viên khác là Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tư pháp, Công Thương, Nội vụ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Công an Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố.

bcd-pctnlp-17320734440061801758276-70-0-1320-2000-crop-173207345784659739715

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố tổng hợp, cập nhật, rà soát, xây dựng, ban hành và điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo.

Các nội dung tập trung của Kế hoạch

Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các cơ quan, tổ chức trong và ngoài hệ thống chính trị Thành phố thông qua những hành động thiết thực: cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phê phán, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện, vi phạm về lãng phí.

Triển khai có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công và vi phạm Quy định nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên do Trung ương ban hành; quy định vai trò, trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND cấp huyện, xã, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí.

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí tài sản công từ Thành phố đến cơ sở, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản… và những hành vi thực thi công vụ, hành vi không đúng quy định làm chậm trễ, ảnh hưởng xấu đến việc triển khai thực hiện các công trình, dự án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quản lý nhà nước…

Tập trung phát hiện, giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển Thủ đô, đất nước. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách được giao theo đúng thời hạn, thẩm quyền, sát với thực tiễn từ cơ sở nhằm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực tại từng địa phương, đơn vị, các dự án phát triển kinh tế - xã hội… và tổ chức thực hiện hiệu quả. Thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Thành phố đã không còn phù hợp, gây trở ngại cho Nhà nước và tổ chức kinh tế, báo cáo kiến nghị Trung ương các nội dung vượt thẩm quyền.

Rà soát, cải cách triệt để, giảm tối đa các nội dung thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương liên quan thủ tục hành chính. Sử dụng hiệu quả hơn nữa tài nguyên, nhân lực, vật lực; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài đối với các dự án, công trình hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, tinh gọn hơn nữa đối với bộ máy các sở, ban, ngành Thành phố để tạo sự tập trung một đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới, tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Theo Quyết định, Thanh tra Thành phố được phân công là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, giúp Chánh Thanh tra Thành phố - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ: (1) Thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; (2) Chủ trì phối hợp với Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa và Thể thao, Công an Thành phố và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo báo cáo UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 của thành phố Hà Nội và các năm tiếp theo, đảm bảo rõ người, rõ việc, thời hạn, lộ trình thực hiện, việc kiểm tra, giám sát, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm; (3) Tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.

Cùng với đó, điều hành hoạt động Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của UBND Thành phố và con dấu của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer