Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn ứng phó áp thấp khả năng mạnh lên thành bão
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để chủ động ứng phó sớm với diễn biến thiên tai hết sức phức tạp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, cần tập trung triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 5449/UBND-NL1 ngày 17/9/2024 về chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thị xã ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo ngay cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm soát các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có ATNĐ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn. Giao Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tùy theo diễn biến của ATNĐ (có khả năng mạnh lên thành bão) chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão khi vào Biển Đông; cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển đến nơi an toàn.
Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động thông tin về tình hình thiên tai trên địa bàn, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
(Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Rà soát ngay các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, lở đất và ngập lụt
Tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả. Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra, đặc biệt lưu ý đối với các xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn); xã Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), xã Hương Liên, Hương Lâm (huyện Hương Khê), xã Hương Quang (Vũ Quang), xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân)...
Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp (kể cả phương án sơ tán dân) đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có tình huống xảy ra.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc... nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại, tránh bất cẩn xảy ra sự cố đáng tiếc.
Các đơn vị được giao quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều trên địa bàn tỉnh (UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chi cục Thủy lợi, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, các Công ty Cổ phần Thủy điện: Hồ Bốn, Ngàn Trươi, Hương Sơn) tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu. Đối với các hồ chứa có cửa van, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, để chủ động vận hành, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các công trình trọng điểm: hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác - Kim Sơn - thượng Sông Trí, đê La Giang, Khu kinh tế Vũng Áng, Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án được duyệt đảm bảo an toàn cho công trình; đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.
Sở NN&PTNT (cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh) theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các chủ quản lý công trình thuỷ lợi, đê điều thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các công trình trọng điểm (hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Ngàn Trươi, đê La Giang,...) theo quy định pháp luật hiện hành.
Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh.
Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành, xả lũ của các Nhà máy thủy điện trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý việc vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô; yêu cầu phải điều tiết xả lũ phù hợp, vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vừa an toàn cho Nhân dân vùng hạ du. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có lệnh; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện, duy trì nguồn điện phục vụ tiêu úng, vận hành tràn xả lũ của các hồ chứa.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức phân công chỉ huy, điều hành triển khai các phương án đối phó với thiên tai, bão, lũ đến tận các đơn vị thuộc địa bàn Khu Kinh tế nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, phương tiện trên công trường và cơ sở hạ tầng, tài sản trên địa bàn Khu kinh tế; nắm chắc tình hình và phối hợp với các lực lượng của tỉnh và địa phương để chủ động triển khai ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Viễn Thông tỉnh, Bưu Điện tỉnh, Viettel Hà Tĩnh chủ động các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ tốt công tác chỉ huy, điều hành trong mưa lũ; có các phương án dự phòng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mưa lũ xảy ra. Đồng thời có các biện pháp để truyền các thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân qua hệ thống tin nhắn của điện thoại di động.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cập nhật tình hình thiên tai và phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về diễn biến của thiên tai cho các cấp, các ngành và Nhân dân biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai một cách có hiệu quả.
Các chủ đầu tư, các BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình phải huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình; đặc biệt là đối với các khu vực trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam, Khu kinh tế Vũng Áng và các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều và Phòng chống thiên tai đang thi công dở dang.
Yêu cầu các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT&TKCN tại các địa phương theo phân công của UBND tỉnh xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình thiên tai trên địa bàn...
Đăng Khải
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm