Hai học sinh lớp 8 làm dự án website cho người trầm cảm

Em Vũ Trí Việt và Nguyễn Khánh Hiệp là học sinh lớp 8/1, trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) làm dự án trang web cho người trầm cảm, được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
16/01/2024 10:26

Trầm cảm là tình trạng rối loạn cảm xúc phổ biến hiện nay. Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Chính từ những thực trạng về căn bệnh này, vừa qua, em Vũ Trí Việt và Nguyễn Khánh Hiệp là học sinh lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã làm dự án trang web cho người trầm cảm, được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố.

Empty

3 cô trò khi tham gia vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm học 2023 - 2024 tại Hội trường E - Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP. Hồ Chí Minh 

Website "Flatter" - đồng hành cùng người trầm cảm là trang web có thể kiểm tra, đánh giá mức độ trầm cảm; tạo cầu nối giữa người trầm cảm với chuyên viên tư vấn tâm lý cùng với sự hỗ trợ của AI Flatter bot.

“Theo nghiên cứu ban đầu của nhóm, bệnh trầm cảm hiện nay đang là một mối lo ngại lớn đối với thế giới và Việt Nam. Với sự định hướng ban đầu của Thạc sĩ Đinh Thị Vân Hà là giáo viên hướng dẫn của chúng em, nhóm đã đề xuất ý tưởng lập một trang web giúp đỡ người trầm cảm và từ đó chúng em đã bắt đầu phát triển sản phẩm”, em Trí Việt chia sẻ.

Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn chán và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận, suy nghĩ, hành vi, ứng xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất.

Empty

Khánh Hiệp (Trái) và Trí Việt (Phải)

“Chúng em rất vui khi có cơ hội được tham gia vào vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023 - 2024. Đây là lần thứ hai, em được tham gia thi cùng các anh chị lớn cấp 3 (Trước đó là Cuộc thi Tin học trẻ cấp quốc gia năm học 2022 - 2023 tại Quảng Ninh). Qua cuộc thi này, em và bạn Hiệp đã có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm cùng với các anh chị. Cuộc thi này đã mang lại cho chúng em những trải nghiệm đầy ý nghĩa và vô cùng đáng nhớ. Chúng em cũng khá kỳ vọng vào kết quả vừa đạt được”, em Trí Việt nói.

Rối loạn trầm cảm có thể đến với mọi người, tuy nhiên độ tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi, ngoài ra, độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ gặp rối loạn này. Đây là nhóm sẽ đối diện với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống (tìm việc làm, kết hôn, sinh con vào độ tuổi vị thành niên, về hưu…).

Empty

Cô trò chụp tại khu vực trưng bày sản phẩm của nhóm trong Hội trường E

Cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỉ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

“Trang web Flatter được tạo ra nhằm hỗ trợ người dùng phát hiện sớm bệnh trầm cảm, từ đó cung cấp giải pháp là phần mềm kết nối người có vấn đề về tâm lý với bác sĩ tâm lý. Chúng em mong muốn sản phẩm này có thể góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho xã hội”, em Khánh Hiệp chia sẻ.

Tỉ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số. Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ sức khoẻ tâm thần. Có khoảng 20% người dân trên thế giới cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần.

Empty

2 bạn cùng nhau nghiên cứu thực hiện đề tài tại Phòng truyền thống - Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh 

“Người trầm cảm thường sẽ có xu hướng tránh giao tiếp xã hội, thường hay ở một mình. Do vậy, chúng em lập nên trang web Flatter nhằm tạo cầu nối giữa người có vấn đề về tâm lý, bệnh nhân trầm cảm với chuyên viên tư vấn tâm lý để người bệnh có thể được điều trị và giải quyết những vấn đề của mình kịp thời”, em Khánh Hiệp chia sẻ thêm.

Không chỉ có 2 em Trí Việt và Khánh Hiệp thực hiện trang web này mà còn có sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của Thạc sĩ Đinh Thị Vân Hà, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Empty

Trang bìa báo cáo của đề tài

“Cuộc thi Khoa học kỹ thuật là sân chơi vô cùng bổ ích đối với các em học sinh, tham gia cuộc thi, bản thân tôi cũng như học trò của mình luôn mong muốn có thể nghiên cứu ra các sản phẩm có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Tôi và hai em (Trí Việt - Khánh Hiệp) bắt đầu thực hiện dự án từ tháng 7/2023. Chúng tôi xây dựng kế hoạch nghiên cứu và tiến hành thực hiện công việc theo đúng tiến độ. Đồng hành cùng các em với vai trò là giáo viên hướng dẫn, tôi chỉ định hướng cho các em đề tài nghiên cứu ban đầu, nhưng trước khi đi đến thống nhất về lĩnh vực nghiên cứu và tên đề tài, các em tự chủ động tìm hiểu để chắc chắn về tính mới của đề tài sẽ làm. Sau đó, tôi triển khai nhiệm vụ và các em bắt đầu thực hiện các công việc nghiên cứu của mình”, cô Vân Hà chia sẻ.

Trí Việt và Khánh Hiệp là 2 học sinh rất nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm trong công việc rất cao. Các em luôn chủ động và có ý thức tự giác hoàn thành công việc. Chính bởi điều đó, cô giáo hướng dẫn cũng có thể cảm nhận được niềm đam mê đối với nghiên cứu khoa học của 2 em học sinh này.

Các em tìm tòi, nghiên cứu một số tài liệu chính thống, có uy tín ở Mỹ và phiên dịch qua Tiếng Việt. Nhờ vậy, với đề tài này, các em không quá khó khăn khi thực hiện. “Cũng rất may vì trình độ ngoại ngữ của 2 em Việt và Hiệp khá tốt nên các em không gặp khó khăn nhiều trong quá trình tìm hiểu tư liệu của nước ngoài”, cô Vân Hà cho biết.

Empty

Phụ huynh Trí Việt tặng hoa cho cô giáo

Thời gian đầu, Flatter là một trang web đơn giản với tính năng kiểm tra về mức độ trầm cảm cho người dùng và tính năng Flatter bot. Sau đó, các em hoàn thiện web theo thời gian và bổ sung thêm các tính năng như tài khoản của bác sĩ, bệnh nhân, đặt lịch hẹn.

Trong quá trình nghiên cứu, mỗi tuần cô trò họp mặt trực tiếp hoặc online khoảng 2 lần, các em báo cáo tiến độ và cô giáo hướng dẫn sẽ góp ý cho các em để các em hoàn thiện hơn về sản phẩm web cũng như báo cáo, poster.

Trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8, các em chưa đi học chính thức ở trường nên các em có nhiều thời gian hơn để tập trung cho việc nghiên cứu. Như vậy các em đã có khoảng thời gian tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lương hơn.

“Nhưng bắt đầu từ tháng 9, khi bước vào năm học mới, thời gian thực hiện đề tài của các em bị hạn chế hơn, thậm chí có những buổi cuối tuần, cô trò họp online từ 21h30 đến 22h. Đặc biệt có một khoảng thời gian, các em đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập ở trường, các đợt kiểm tra giữa học kì 1 cũng như cuối học kì 1, vừa phải hoàn thiện sản phẩm cũng như báo cáo, poster để tham gia tiếp các vòng cao hơn của cuộc thi. Tôi và các em luôn cố gắng để công việc nghiên cứu vẫn được thực hiện đều đặn theo đúng tiến độ”, cô Vân Hà chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện dự án.

Empty

Phụ huynh, giáo viên và học sinh tại Hội trường E - Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong trong buổi tham quan các dự án vào vòng tuyển chọn dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Dự án trang web cho người trầm cảm của hai học sinh Trí Việt và Khánh Hiệp đã được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Đây là sự công nhận công sức của 3 cô trò, niềm tự hào của gia đình và nhà trường.

“Qua cuộc thi này, tôi và các em hi vọng website Flatter sẽ được triển khai ứng dụng thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp và phát triển thêm giao diện cho điện thoại”, cô Vân Hà vui vẻ nói.

Các em đang không ngừng học tập nghiên cứu và trau dồi thêm kiến thức của mình, vì các em mong muốn nâng cấp thêm các tính năng cho web như đăng nhập face ID, checklist các hoạt động người trầm cảm cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, tạo liên kết tài khoản giữa các ứng dụng mạng xã hội. Ngoài ra, các tính năng phần mềm của web có thể cập nhật dễ dàng và tùy biến trong tương lai.

Người trầm cảm có xu hướng ngại giao tiếp nhưng lại có thói quen sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng phần mềm. Do đó, Flatter sẽ giúp người bệnh vượt qua rào cản tâm lý, dễ dàng tiếp cận với bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm.

“Tôi hi vọng công trình nghiên cứu của nhóm 2 em (Trí Việt và Khánh Hiệp) sẽ có cơ hội được tham gia vòng cao hơn đó là Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2023 - 2024. Cô trò tôi luôn nỗ lực không ngừng, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nâng cấp sản phẩm với mong muốn rằng công trình nghiên cứu của nhóm sẽ góp phần giúp đỡ cộng đồng”, cô Vân Hà nhận định.

Qua thành công này, lời khuyên dành cho các bạn bè đồng trang lứa hãy dám nghĩ và dám làm; không có con đường nào là dễ dàng nhưng phải bắt tay ngay vào hành động và sẽ đạt được kết quả tốt không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.

 Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer