Hải Phòng: Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp tiếp nhận rất nhiều người bệnh chấn thương về mắt

Trong những năm gần đây, khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận rất nhiều người bệnh chấn thương từ rất nhiều cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó tỷ lệ chấn thương lệ quản chiếm phần lớn trong các chấn thương về mắt.
21/08/2023 13:01

Đường dẫn lưu nước bao gồm các cơ quan thuộc lệ đạo, túi lệ, ngách lệ mũi, sự toàn vẹn của lệ quản là yếu tố quan trọng trong việc dẫn lưu nước mắt từ hồ lệ xuống mũi. Chấn thương đứt lệ quản làm cho sự lưu thông này ngưng trệ hoàn toàn hoặc một phần tùy theo đứt lệ quản trên hay dưới hoặc cả hai.

Hiện nay, tỷ lệ tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn dến đứt lệ quản. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân hay gặp như tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt…

1. Hậu quả của lệ quản đứt

Khi tổn thương mi đứt lệ quản có thể gây nên các trường hợp sẹo co kéo, hở mi, hếch mi ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhãn cầu không được mi che chắn có thể dẫn tới một số tình trạng như khô mắt, loét giác mạc, viêm nhiễm… có thể gây mù loà về sau.

u

Hệ thống nước mắt có thể bị đứt gây chảy nước mắt kéo dài. Khi nước mắt chảy liên tục khiến ảnh hưởng mọi hoạt động hàng ngày của người bệnh. Hơn nữa, việc nước mắt chảy liên tục cùng với việc lau mắt liên tục có thể làm viêm da mi, thậm chí gây nên tình trạng lật mi.

2. Phẫu thuật phục hồi lệ quản

Hiện nay, Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp thực hiện thường quy kỹ thuật phẫu thuật phục hồi lệ quản sau khi bị đứt do chấn thương. Sự phục hồi này mang lại quá trình lưu thông nước mắt một cách bình thường hoặc tương đối bình thường, đồng thời bảo đảm cho sự liên tục của bờ tự do mi. Có 3 phương pháp chủ yếu để tái tạo lệ quản:

– Nối lệ quản với đặt ống silicone vòng qua lệ quản trên và dưới

– Nối lệ quản với ống silicone qua 2 lệ quản xuống cố định tại hốc mũi

– Nối lệ quản bằng ống silicone 1 lệ quản Mini-monoka (ống đơn)

Phương pháp dùng ống silicone đặt vòng qua 2 lệ quản bằng ống thông  đầu tù, kết hợp khâu tận – tận tại nơi đứt lệ quản là một kỹ thuật được đánh giá có hiệu quả và kinh tế.

2.1 Kỹ thuật tái tạo lệ quản đứt

Đầu tiên, người bệnh được kiểm tra vết thương, lấy sạch dị vật quanh mép vết thương bằng kẹp phẫu tích hoặc bằng dung dịch nước muối 0,9%. Cắt lọc tổ chức hoại tử hết sức tiết kiệm.

Tiếp theo, chuẩn bị ống Silicon dài khoảng 5cm. Làm rộng 2 điểm lệ, luồn ống Silicon để ống Silicon nằm trong lệ quản.

Khâu nối tổ chức xung quanh 2 đầu đứt lệ quản bằng chỉ 7.0 hoặc 6.0 tại 3 vị trí: trên, trong, ngoài (Khâu nối tận – tận).

Tiến hành khâu tổ chức da bằng chỉ 6.0, khâu kết mạc bằng chỉ 7.0 tiêu. Khâu phục hồi bờ mi góc trong.Rút ngắn bớt độ dài ống Silicon cho vừa đủ với độ rộng khe mi. Cuối cùng, tra thuốc và băng ép cho người bệnh.

2.2 Theo dõi sau phẫu thuật

Sau quá trình phẫu thuật người bệnh cần được theo dõi:

– Mi góc trong khép, hở hay biến dạng.

– Tương quan vị trí điểm lệ trên và dưới.

– Tình trạng nhiễm khuẩn vết thường, tình trạng phục hồi giải phẫu mí tốt hay xấu.

– Điều trị nội khoa:

+ Điều trị tại chỗ: tra kháng sinh tại chỗ và corticoid, điều trị.

+ Toàn thân: sử dụng kháng sinh uống toàn thân, điều trị giảm phù, chống viêm.

Người bệnh sẽ được tái khám định kì và cắt ống silicon sau 3 tháng phẫu thuật.

Để phòng ngừa chấn thương lệ đạo, người dân cần đề phòng các tai nạn xảy ra, bao gồm cả tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt… Khi lưu thông trên đường, cần đội mũ bảo hiểm, kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, trong quá trình lao động, người dân cần trang bị bảo hộ đầy đủ (mũ, kính…), đặc biệt trong một số ngành nghề đặc thù.

BSCKI. Nguyễn Quốc Sơn, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

comment Bình luận

largeer