Hải Phòng: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp can thiệp mạch não kịp giờ vàng cứu sống cụ ông 83 tuổi khỏi đột quỵ não cấp

Vừa qua, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) có tiếp nhận cụ ông P.V.Đ (83 tuổi), địa chỉ An Lão, Hải Phòng nhập viện trong tình trạng: Liệt gần hoàn toàn nửa người trái, nói khó. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường dùng thuốc không đều. Sau khi vào Bệnh viện, người bệnh đã được nhanh chóng làm xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT mạch máu não.
20/08/2023 08:50

Người bệnh đã được chẩn đoán bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ 2, điều trị  bằng 2 phương pháp tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ. Tuy nhiên người bệnh cao tuổi, việc chỉ định điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết phải hết sức thận trọng do có nhiều nguy cơ biến chứng. Sau khi hội chẩn các bác sĩ trong nhóm cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện đã thống nhất sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch liều phù hợp cho người bệnh và lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Ngay sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh đã được đưa xuống phòng can thiệp mạch máu não hút huyết khối tái thông mạch não. Tay và chân bên trái của người bệnh sau đó đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Chụp kiểm tra lại sau 24 giờ, hình ảnh cắt lớp vi tính sọ não hoàn toàn bình thường. Sau 1 ngày điều trị nội trú tại Khoa Đột quỵ, người bệnh trong trạng thái hồi phục gần hoàn toàn như trước khi bị đột quỵ.

t1-1-1200x799

Người bệnh P.V.Đ  sau khi được các bác sĩ can thiệp mạch não và điều trị 1 ngày tại Khoa Đột quỵ đã tỉnh táo nói chuyện và vận động tay, chân tốt

Theo TS.BS Phùng Đức Lâm – Trưởng Khoa Đột quỵ chia sẻ: “Đột quỵ thiếu máu não chiếm tới 80% các trường hợp đột quỵ nói chung. Hiện nay chỉ có 2 phương pháp tái thông mạch đó là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với những người bệnh có tắc mạch lớn. Do “thời gian vàng” điều trị tái thông rất hẹp, trong vòng 3-4,5 giờ từ khi khởi phát, do đó chỉ có khoảng 3-5% các người bệnh được tiếp cận với những phương pháp này, chủ yếu do đến viện muộn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khoảng “thời gian vàng” người bệnh đến viện càng sớm thì cơ hội phục hồi càng tốt. Do đó, người dân cần hiểu rõ các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như:

- Liệt nửa người: tê yếu nửa người (tay và chân cùng bên), không phối hợp được các hoạt động tay chân và thân người.

- Méo miệng, liệt mặt, nói khó hoặc nói ngọng thậm chí không nói được, hoặc nói những câu vô nghĩa.

- Đau đầu: dữ dội, đột ngột mà không rõ nguyên nhân kèm theo các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, đi lại loạng choạng, mắt mờ, tối sầm mặt mày,…

- Rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, không thể nhận biết rõ xung quanh, có biểu hiện co giật, đại tiểu tiện không tự chủ hoặc rơi vào hôn mê đột ngột.

Qua đó, khẩn trương đưa người bệnh tới các Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp để được cấp cứu và điều trị đột quỵ não kịp thời.

Việc can thiệp cấp cứu thành công trường hợp người bệnh cao tuổi bị đột quỵ não bằng cả hai phương pháp đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của y bác sĩ Bệnh viện trong việc chẩn đoán, điều trị những bệnh lí thần kinh, đột quỵ khó phức tạp, cũng như thành quả của quá trình đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, sự quan tâm đào tạo về chuyên môn cho ê kíp học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước của Bệnh viện. Đây cũng là động lực mạnh mẽ giúp tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện tiếp tục nỗ lực triển khai các kỹ thuật khó, chuyên sâu hơn nữa nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế Hải Phòng nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nói riêng.

TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

 

comment Bình luận

largeer