Hải Phòng: Phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII cho người bệnh 29 tuổi

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã tiếp nhận và thành công phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII cho người bệnh N.T.K (29 tuổi), cư trú tại An Dương, Hải Phòng.
02/01/2024 09:30

Dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII) là dây vận động, chủ yếu chi phối vận động các cơ bám da mặt. Theo giải phẫu, dây thần kinh số VII có đường đi rất phức tạp, từ thần kinh trung ương qua xương thái dương và tuyến mang tai rồi đến các cơ quan ở vùng mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên xảy ra khi dây thần kinh mặt bị tổn thương làm mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt. Tổn thương dây thần kinh VII gây liệt nửa mặt, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do chấn thương vỡ nền sọ; vỡ xương đá làm đứt, giập nát hoặc chèn ép thần kinh,…

Ngoài ra, những viêm nhiễm vùng mang tai – dưới hàm, viêm tai giữa, các tai biến mạch máu não, u não cũng là một trong những nguyên nhân nội khoa dẫn đến liệt dây thần kinh số VII.

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận và thành công phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII cho người bệnh N.T.K (29 tuổi), cư trú tại An Dương, Hải Phòng. Theo đó, người bệnh N.T.K có tiền sử chấn thương sọ não đã điều trị 2 tháng trước, đến khám và nhập viện điều trị tại Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trong tình trạng liệt nửa mặt ngoại biên bên trái, mắt khép không kín, môi khó mím nên ăn uống bị vãi, bên liệt thường hay bị dắt thức ăn.

Qua thăm khám cùng các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh N.T.K được các bác sĩ chẩn đoán là Chấn thương xương đá/ Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và người bệnh được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm phục hồi sự cân bằng của mặt. Sau khi thống nhất ý kiến hội chẩn chuyên môn giữa các chuyên khoa, các phẫu thuật viên Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã khẩn trương phối hợp cùng kíp gây mê hồi sức để tiến hành thực hiện phẫu thuật Giảm áp dây thần kinh số VII cho người bệnh.

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi các phẫu thuật viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kết hợp cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng cao. Chỉ sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công trong niềm vui mừng của gia đình người bệnh cùng toàn thể ê kíp phẫu thuật – gây mê. Sau phẫu thuật, các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh ổn định, vết mổ hồi phục nhanh chóng và an toàn. Trong và sau phẫu thuật không có tai biến. Đến nay, sau 6 ngày phẫu thuật và điều trị nội trú tại Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cơ mặt bên trái của người bệnh đã cân đối trở lại, người bệnh có thể khép được mắt và ăn uống bình thường.

z5014572401078_f88cea2f83d1c9f7c877ae04b49a9b83

Các y, bác sĩ Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thực hiện đi buồng, thăm hỏi, động viên và kiểm tra sức khỏe người bệnh N.T.K sau phẫu thuật

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, phẫu thuật giảm áp dây thần kinh số VII là kỹ thuật mở xương chũm, bộc lộ dây thần kinh số VII từ đoạn mỏm chũm tới hạch gối và rạch vỏ bao. Kỹ thuật này được chỉ định đối với những trường hợp người bệnh liệt mặt ngoại biên xảy ra ngay sau chấn thương xương đá, sau phẫu thuật tai, do lạnh mà điều trị nội khoa 6 tuần không có kết quả được đánh giá qua điện cơ và thần kinh. Đây là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp của chuyên ngành Tai – Mũi – Họng, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao, các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng đã triển khai thành công phẫu thuật Giảm áp dây thần kinh số VII cho người dân thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành lân cận. Qua đó, đã mang đến những kết quả điều trị tích cực, khả năng hồi phục an toàn, cũng như mở ra nhiều hy vọng mới cho người bệnh bị liệt cơ mặt do tổn thương dây thần kinh số VII.

Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời các bệnh lý về Tai – Mũi – Họng sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa được tình trạng bệnh tiến triển nặng, cũng như tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, nhờ đó mà khả năng hồi phục các chức năng cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer