Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hiểu về thời tiết cực đoan để bảo vệ sức khỏe

Thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng mạnh hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và đời sống con người. Việc nhận diện và hiểu rõ những tác động này giúp chúng ta chủ động ứng phó, bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu rủi ro.
15/04/2025 10:27

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), các cơn bão nhiệt đới có cường độ mạnh hơn, lượng mưa tập trung hơn dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, trong khi nắng nóng kéo dài gây hạn hán và làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế, thời tiết cực đoan còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có bệnh lý nền.

Tại Việt Nam, thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp. Các cơn bão có xu hướng mạnh hơn, nắng nóng gia tăng cả về cường độ và thời gian, trong khi hạn hán và lũ lụt không theo quy luật gây thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt, ở đô thị, tình trạng ngập lụt ngày càng trầm trọng do mưa lớn kết hợp với hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được biến đổi khí hậu. Số ngày rét đậm, rét hại tuy giảm nhưng lại trở nên khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, sự gia tăng của ô nhiễm không khí, nhất là tại các thành phố lớn, làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp, tim mạch.

thoitietcucdoan

(Ảnh: HCDC)

Các tác động của thời tiết cực đoan đến sức khỏe

- Nắng nóng gay gắt: Những đợt nắng nóng kéo dài không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn có thể dẫn đến mất nước, kiệt sức do nóng, thậm chí sốc nhiệt và tử vong. Nhiệt độ cao làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và suy hô hấp, đặc biệt là ở người già và những người có bệnh nền. Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút và côn trùng sinh sôi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, mắt và các bệnh lây truyền do muỗi như sốt xuất huyết.

- Lũ lụt và mưa lớn kéo dài: Mưa lớn và lũ lụt không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa sức khỏe con người. Nguồn nước ô nhiễm sau lũ lụt là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, làm lây lan các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Đồng thời, điều kiện ẩm ướt kéo dài là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, nước bẩn và vệ sinh kém cũng khiến người dân dễ mắc các bệnh ngoài da như ghẻ lở, nấm da.

- Rét đậm, rét hại: Nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ và những người có bệnh lý nền. Rét đậm, rét hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản. Người cao tuổi dễ bị đột quỵ do huyết áp tăng đột ngột trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và những người có bệnh xương khớp cũng chịu ảnh hưởng lớn do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

- Bão lớn, lốc xoáy: Bão lớn và lốc xoáy có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Sự tàn phá của bão có thể dẫn đến chấn thương do sập nhà, cây đổ, tai nạn giao thông hoặc thậm chí tử vong. Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, thiên tai còn gây tác động tiêu cực đến tâm lý con người. Việc mất mát tài sản, nhà cửa hoặc người thân trong các trận bão, lốc xoáy có thể dẫn đến căng thẳng, trầm cảm và rối loạn tâm lý sau sang chấn.

Thời tiết cực đoan không chỉ là thách thức về môi trường hay kinh tế mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Việc nâng cao hiểu biết và chủ động phòng tránh sẽ giúp chúng ta bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, các giải pháp chiến lược về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cần được triển khai mạnh mẽ để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

comment Bình luận