Hội chứng Haemolacria (khóc ra máu) là gì?

Trên thế giới, những ca bệnh mắc phải hội chứng Haemolacria (khóc ra máu) rất hiếm. Để lý giải về tình trạng "khóc ra máu" này, các nhà khoa học từng vướng phải nhiều bối rối.
28/09/2020 10:48

Theo đó, Haemolacria khóc ra máu) còn có nhiều tên gọi khác như Haemolacria hay Hemidrosis. Đây là một tình trạng rất hiếm gặp, có thể nhận thấy thông qua sự hiện diện của máu trong nước mắt bệnh nhân. Tình trạng máu trong nước mắt xảy ra có thể là do nhiễm trùng, viêm hoặc chấn thương mắt, hay các cấu trúc xung quanh mắt xuất hiện khối u. Đôi khi, nó cũng xảy ra trong điều kiện căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần.

Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa khẳng định được chính xác nguyên nhân dẫn đến căn bệnh kỳ lạ này. Để giải mã những bí ẩn về Haemolacria, các nhà khoa học đã tìm hiểu và liệt kê tất cả các trường hợp mà máu có thể lẫn vào nước mắt. Khả năng đầu tiên mà họ nghi ngờ, đó là máu đã rò rỉ từ kết mạc.

khoc ra mau

Hình minh họa.

Kết mạc là một màng mỏng, trong suốt che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt. Nhiệm vụ của nó là đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu làm giảm ma sát, để khi mắt di chuyển giác mạc sẽ không bị xước hay tổn thương. Kết mạc có các mạch máu tự nhiên và nếu bị rò rỉ, máu có thể thấm vào cùng với nước mắt.

Các chấn thương kết mạch, vỡ kết mạc hoặc viêm kết mạc xuất huyết có thể tạo ra Haemolacria tạm thời và sẽ biến mất khi tình trạng được chữa trị.

Có một tình trạng kỳ lạ khác, được gọi là kinh nguyệt kết mạc cũng có thể tạo ra Haemolacria. Những bé gái khi đến ngày hành kinh, cùng với các thay đổi nội tiết tố cũng có thể bị chảy máu ra từ mắt của mình. Nguyên nhân là một số mô nội mạc tử cung bằng cách nào đó có thể lạc ra ngoài và xuất hiện ở các bộ phận cơ thể khác bao gồm kết mạc. Chúng bị kích hoạt theo chu kỳ kinh nguyệt và gây ra Haemolacria hàng tháng.

Nguồn máu thứ hai mà các nhà khoa học nghi ngờ có thể gây ra Haemolacria, đó là từ những lỗ nhỏ phía trong bờ mi mắt, được gọi là Lacrimal puncta. Các lỗ nhỏ này thực chất là đầu của những ống dẫn lệ nối vào túi lệ. Các túi lệ thì lại kết nối với khoang mũi bằng một kênh dẫn khác.

Do đó, đôi khi bạn thấy nước mắt có thể chảy vào khoang mũi rồi vào họng. Vậy thì ngược lại, những gì có trong khoang mũi hoặc họng cũng có thể chảy ngược lên mắt nếu có một áp lực nào từ phía dưới. Một người bị chảy máu cam từ mũi hoặc xoang có thể đẩy ngược dòng máu này lên tuyến lệ và từ đó, máu sẽ chảy ra từ lỗ bờ mi.

Ngoài ra, chấn thương, nhiễm trùng, một khối u màng não hay tổn thương mạch máu, giãn tĩnh mạch cũng có thể khiến máu chảy vào túi lệ, dẫn lên các lỗ Lacrimal puncta để ra khỏi mắt.

Haemolacria có thể chỉ là một triệu chứng của những tình trạng nguy hiểm khác trong cơ thể, bao gồm chấn thương sọ não, sang chấn sau động kinh, một cơn tăng huyết áp, viêm mạch máu cấp tính ở trẻ nhỏ. Hoặc nó cũng có thể đơn giản là tổn thương mạch máu sau một cơn ho, khi một người dùng sức quá mức trong khi cúi xuống và máu dồn lên mắt, khi một đứa trẻ khóc quá thảm thiết…

khoc ra may

Cô bé 11 tuổi khóc ra máu.

Nhưng Haemolacria cũng có thể là vô căn. Ví như trường hợp của cô bé 11 tuổi ở Ấn Độ mắc Haemolacria được người mẹ đưa tới phòng khám của Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ, các bác sĩ đã thực hiện mọi xét nghiệm mà họ có thể.

Thị lực của cả hai mắt đạt 20/20. Áp lực nội nhãn bình thường. Cả tuyến lệ và túi lệ cũng vậy. Cô bé được giữ lại bệnh viện theo dõi trong vòng 2 ngày liên tiếp để bảo đảm mọi triệu chứng tự phát là thật. Các bác sĩ đã ghi lại những video cho thấy nước mắt lẫn máu chảy ra khỏi mắt cô bé 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài 3 phút. Sức khỏe tổng thể của cô bé hoàn toàn bình thường, cô bé được xác định là chưa có tiền sử kinh nguyệt.

Dương Nhung (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer