Hy hữu: Mẹ bầu lọc máu 6 lần/tuần sinh con khỏe mạnh

Đây là một trong những bệnh nhân hiếm hoi bị suy thận mạn có thai, giữ được thai và duy trì được sức khỏe đến ngày thai nhi đủ điều kiện chào đời.
24/09/2020 12:22

Thai phụ là chị B.T.O, 31 tuổi (Kim Bôi, Hòa Bình), có tiền sử viêm cầu thận mạn từ năm 6 tuổi, đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương nhưng không duy trì thuốc, mà về nhà uống thuốc lá nam, không tái khám thường xuyên. Trước đó chị cũng đã có con gái 6 tuổi và chưa từng phát hiện bệnh suy thận mạn. 

Trong lần mang thai thứ 2, chị có biểu hiện mệt mỏi nhiều, buồn nôn, ăn uống kém. Đi khám phát chị mới phát hiện mắc bệnh thận mạn giai đoạn V có chỉ định lọc máu chu kỳ. Lúc này chị mới có thai được 27 tuần. 

Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ có thai khó hơn cả trăm lần và rất khó duy trì được thai nghén đến khi đủ tuổi thai. Lý do vì khi bị suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường.

Quy trình lọc máu đặc biệt

Do đó, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, các bác sĩ khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã lên kế hoạch lọc máu với một quy trình đặc biệt và có sự kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa. 

loc mau

Bé trai chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ của hai bệnh viện.

Trong đó, phải điều chỉnh lọc máu từ 3 buổi/tuần lên 6 buổi/tuần để đảm bảo thải độc tốt hơn. Mỗi lần lọc phải sử dụng quả lọc, dây máu quả lọc mới thay vì được dùng lại như các bệnh nhân chu kỳ khác. Đồng thời điều chỉnh các loại thuốc điều trị thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi để vừa hỗ trợ điều trị tốt vừa không ảnh hưởng đến thai nhi. 

Khoa cũng phối hợp với các bác sĩ Sản khoa theo dõi điều chỉnh tăng cân, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, rau thai…

Khi được nghe người nhà thông báo em bé chào đời khỏe mạnh, BS.CKI Quách Thị Dung, Phó khoa Phụ trách khoa Thận nhân tạo không giấu nổi cảm xúc vui mừng. Đến lúc này, bác sĩ mới cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. 

Theo BS Dung, đối với bản thân chị nói riêng và khoa Thận nhân tạo nói chung, hơn một tháng lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân là hơn một tháng lo toan, căng thẳng, làm sao để giảm thiểu thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. 

Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế gia đình bệnh nhân khó khăn. Trong khi đó, theo quy định, bảo hiểm y tế chỉ chi trả 6 lần lọc máu/1 tuần, chưa chi trả 1 bộ dây máu quả lọc/1 lần lọc… Vì thế, gia đình bệnh nhân phải cùng chi trả phần chênh lệch này, số tiền có thể lên tới 15 triệu đồng/tháng, một con số rất lớn với gia đình bệnh nhân. Do vậy khoa đã phối hợp với phòng ban chức năng của Bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm, giúp bệnh nhân.

Ngay sau đợt điều trị 5 tuần ổn định tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ở tuần thai thứ 33, bệnh nhân được chỉ định kết thúc thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con. 

Ngày 7/9/, bé trai chào đời trong niềm vui mừng của tất cả gia đình, các y bác sĩ hai tuyến. Đến nay, sức khỏe của bé tốt, nặng 2,3kg và đã được xuất viện về với bố mẹ ngày 23/9. 

BS Dung khuyến cáo thai phụ nên đi khám thai định kỳ theo khuyến cáo để phát hiện ra các bệnh kèm theo nói chung và bệnh thận mạn nói riêng, để từ đó có hướng điều trị thích hợp. Các triệu chứng ốm nghén 3 tháng đầu rất giống với triệu chứng bệnh thận mạn nên dễ gây nhầm lẫn.

Những phụ nữ mắc bệnh thận mạn tính cần phải biết được những rủi ro đối với chức năng của thận của người mẹ, sự ảnh hưởng tới thai nhi khi họ mang thai và phải được theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa.

Các biện pháp tránh thai cần được cân nhắc sử dụng tối đa đối với bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn V có lọc máu chu kỳ do bệnh nhân thường bị rối loạn kinh nguyệt rất khó theo dõi. Khi có thai thì rất dễ gây xảy thai và sức khỏe thai nhi kém sau này.

Theo chương trình nghiên cứu Đa Trung tâm của Châu Âu, trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh… ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con. Trong số đó, chỉ có 52% trẻ được sinh và sống bình thường. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh suy thận mạn mức độ V mang thai cũng là một con số cực ít. Vì vậy, trường hợp của bệnh nhân B.T.O được xếp vào nhóm bệnh nhân cực kỳ hy hữu.

Theo Dân trí

comment Bình luận

largeer