Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hồi ký: Thành Xuân Nghiêm, nguyên bác sĩ, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng (phần 6)

Ở tuổi 75, ông Thành Xuân Nghiêm đã tìm hiểu sâu hơn về Phật học sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy.
12/05/2025 10:23

 CHƯƠNG VII

TÌM HIỂU SÂU HƠN VỀ PHẬT HỌC Ở TUỔI 75

Đến khi nghỉ hưu chính thức, ông Xuân Nghiêm vẫn làm việc thêm 10 năm cho UNICEF. Nhưng đến năm 75 tuổi, ông mới nhận ra mình vẫn còn thiếu điều gì đó… Học Đông học Tây đủ cả, nhưng ông vẫn cảm thấy có gì đó chưa trọn vẹn, chưa thực sự đạt đến tầm vóc của một người hiểu biết. Tuy rằng tiếng Anh, tiếng Pháp, ông đều đỗ Tú tài toàn phần thời Pháp thuộc là khóa cuối cùng ở Hà Nội. Ban Sinh ngữ và Triết học đòi hỏi phải thông thạo hai thứ tiếng là Anh và Pháp. Còn Triết học thì chỉ được học Triết học duy tâm, chứ không có Triết học duy vật, vì do các ông cố đạo ở Nhà thờ Lớn giảng dạy.

tapchinghiencuuphathoc-hoc-phat-va-phat-hoc-1736752989

(Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học)

Từ năm 75 tuổi, ông bắt đầu tìm đọc sách vở Việt Nam. Quyển đầu tiên ông đọc là của ông Hoàng Phương - một cuốn sách nói về việc “Kết hợp văn hóa Đông - Tây để xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tương lai”. Trong đó, có điểm lại tất cả mọi vấn đề và ông mới nhận ra rằng mình học hành như thế vẫn còn rất rời rạc, chưa thực sự hệ thống.

Sau đó, có một sự tình cờ thú vị, một cô bạn của Thành Ngọc Minh làm việc ở Đài Truyền hình Trung ương đã cho Ngọc Minh mượn một quyển sách có tựa đề Tâm lý học Phật giáo. Ông đọc thử và thấy quá hay! Trước đây, ông dạy về Sư phạm Y học nhưng lại rất kém về Tâm lý học. Vậy mà nhờ quyển sách đó, ông bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Phật học. Năm 75 tuổi, ông chính thức dừng giảng dạy, bắt đầu học Phật và tập yoga. Từ đó đến nay, ông chỉ tôn thờ một vị thầy duy nhất là Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong lý lịch học tập của mình, ông vẫn luôn ghi phần tôn giáo là “Không”- không theo tôn giáo nào cả. Nhưng bây giờ, nếu có phải điền lại, ông vẫn sẽ ghi “Không”, nhưng “Không” ở đây chính là triết lý cao nhất của Phật học, là chân lý sâu sắc nhất của nhà Phật. Nhờ học Phật từ năm 75 tuổi đến nay, ông đã ngộ ra rằng tất cả mọi sự vật, sự việc trên đời này đều là “không”, nghĩa là “trống rỗng”. Đó cũng chính là triết lý cốt lõi của Phật giáo. Đầu thế kỷ 20, vật lý học hiện đại cũng đã đưa ra một khám phá tương đồng. Một nhà khoa học đạt giải Nobel đã viết mở đầu công trình của ông rằng: "Chân không lượng tử là chân lý tận cùng của mọi vật chất". Nói cách khác, “không” chính là bản chất cuối cùng của mọi vật chất. Như vậy, Phật giáo và khoa học hiện đại đã gặp nhau ở điểm này. Điều đó khiến tôi càng tin rằng con đường mình chọn là đúng đắn. Cho đến bây giờ, ông hoàn toàn an nhiên với lựa chọn của mình. Ông có thể nói rằng sức khỏe và tinh thần mà ông giữ được đến ngày hôm nay, phần lớn là nhờ kết hợp Đông Tây Y và học Phật. Còn những hoài vọng khác, giờ đây, ông đã không còn bận tâm. Tiền bạc, ông giao hết cho vợ quản lý. Nhưng khoảng thời gian trước, bà bị tai biến, nên lúc ấy ông mới thực sự biết thế nào là đồng tiền, mới lần đầu tiên phải tự tay đếm tiền. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tất cả những thứ đó với ông cũng không còn ý nghĩa gì lớn lao.

Ông học Phật một cách nghiêm túc, không chỉ đọc mà còn ghi chép, hệ thống lại thành 2 quyển sách để tự học và nghiền ngẫm. Không phải học sơ sơ, học qua loa.

Từ năm 85 tuổi, ông quyết định dừng lại một số việc học tập và nghiên cứu để tập trung giữ gìn sức khỏe. Mẹ ông mất năm 93 tuổi, còn cha ông mất khi 85 tuổi. Ông cũng không mong gì hơn, có thể sống thêm vài năm là tốt rồi. Nhờ học Phật pháp, ông giữ được sự minh mẫn. Hiện tại, ông duy trì sức khỏe bằng cách: Mỗi ngày dành ít nhất một tiếng ngồi trước máy vi tính để đọc và nghiên cứu những điều mình thích, chiều và tối thực hành Thiền định và tập yoga đều đặn mỗi buổi sáng. Nhờ đó ông cảm thấy đầu óc vẫn còn sáng suốt.

(Còn tiếp)

Người chắp bút: Nguyễn Trang

comment Bình luận