Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hồi ký: Thành Xuân Nghiêm, nguyên bác sĩ, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng (phần cuối)

Cuộc đời ông là một hành trình dài của sự cống hiến, học hỏi và tìm kiếm sự an nhiên. Ông không chỉ là một người giảng viên tận tâm với nghề mà còn là một tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự khiêm tốn và tinh thần không ngừng học hỏi. Những giá trị mà ông để lại sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau.
14/05/2025 08:57

 CHƯƠNG VIII

DẤU ẤN SÂU SẮC NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI

Đầu tiên phải kể đến động cơ thúc đẩy học nghề y của ông Xuân Nghiêm chính là cái chết của 2 cậu em trai. Vào khoảng năm 1945, cậu em trai 3 tuổi chết do bị tiêu chảy, mất nước. Mặc dù, bố của ông đã đưa con đến bác sĩ chữa. Bác sĩ đã không chữa được, cho về và mất.

Còn cậu em 8 tuổi khi đi sơ tán bị sốt, đau và chướng bụng. Mời được bác sĩ Hoạt – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội đến thăm khám thì lắc đầu không chữa được. Cậu em ra đi khi mới tuổi còn xanh. Sau đó, ông mới tìm hiểu thì có thể người em này bị vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Cậu em ấy đẹp trai, xinh xắn, thông minh nhất nhà khiến cho bố của ông rất đau lòng.

Nhà còn 3 anh em trai, ông học Y, cậu em thứ hai đi bộ đội và được cử sang Nga học lấy bằng Đại học Ngoại ngữ tiếng Nga, trở về dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cậu em thứ ba học kỹ sư ngành đóng tàu tại Hà Nội.

Anh con trai Ngọc Minh khi sinh ra được 3 – 4 ngày thì bị tiêu chảy nặng, ông đã vận dụng mọi kinh nghiệm học được từ ngành y để cứu chữa cho con trai. Nhưng mọi loại thuốc mà hai ông bà có được đều không cầm được bệnh cho con trai. Bà Kim Thu bắt đầu khóc. Ông bỗng nhớ ra có 1 lần điều trị cho 1 người lớn bị tiêu chảy nặng bằng cách cho uống Strptomixin (thuốc tiêm chống lao). Ông đã cho người đó uống hết cả lọ và người đó khỏi hẳn. Ngày hôm đó mưa bão, ông đã phải nhờ cậu em ra hiệu thuốc mua 1 lọ Streptomixin về pha thật loãng cho con uống từng giọt, thật may là bệnh của con trai ông đã cầm được.

Mỗi người trong gia đình ông đều cố gắng một chút nào hay chút ấy vận dụng kiến thức học tập, giảng dạy và điểu trị bệnh nhân để giúp cho các thành viên trong gia đình vượt bạo bệnh.

Có những lần chữa bệnh khiến ông không thể quên là lần ông nghỉ phép và trở về Hà Giang đến huyện Bắc Quang, cậu y sĩ nhờ ông xem 1 bệnh nhân nghi là viêm ruột thừa. Ông khám và phát hiện ra là bị vỡ chửa ngoài dạ con phải mổ cấp cứu ngay. Nhưng lúc đó trời bắt đầu tối, bệnh viện huyện không thể mổ được. Phải đưa bệnh nhân bằng ô tô từ huyện Bắc Quang về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang (khoảng 30 km), vừa đi vừa truyền dịch, bệnh nhân phải nằm vắt chân chéo để đỡ chảy máu. Về đến Bệnh viện Hà Giang, vừa lúc vào phòng mổ là 23h đêm bắt đầu tắt điện. Ông đã đề nghị anh lái xe bắc 2 mảnh ván, ghếch lên trên cửa sổ cho xe ô tô bò lên, nổ máy bật 2 đèn pha và đèn tiểu phẫu, đủ cho ông mổ cho bệnh nhân. Khi đó, ông đã nhớ lại cách cầm máu, truyền máu của Giáo sư Nguyễn Chinh Cơ đã dạy: Trong thời chiến, ông đã lấy máu chảy đầy bụng của bệnh nhân lọc lại qua 8 lần gạc và truyền lại cho bệnh nhân. Ông Nghiêm đã kẹp được đúng mạch máu và vòi trứng, cắt được nguyên nhân chảy máu và cứu sống được bệnh nhân.

Ngày hôm sau, ông mổ phẫu thuật cho 1 bệnh nhân là sản phụ không đẻ được phải mổ lấy thai. Ông đã làm rơi dao mổ, ca mổ hoàn thành bình thường không vấn đề gì, mẹ tròn con vuông. Đêm hôm sau nữ hộ sinh đánh thức ông dậy và nói sản phụ đã tử vong. Ông hỏi nguyên nhân là gì thì được biết do chảy máu ồ ạt do đờ tử cung sau mổ lấy thai dẫn đến tử vong.

Một trường hợp rất khó ngày hôm trước thì lại sống, một trường hợp rất dễ ngày hôm sau thì lại tử vong. Nghề y vừa có nhiều ơn nghĩa, vừa bạc bẽo. Một là cứu sống, hai là tử vong, ba là khỏi.

Điều thứ hai trong cuộc đời ông là đợt công tác cuối cùng của ông trước khi về Hà Nội là đi bộ leo núi lên Mèo Vạc để khám nghĩa vụ quân sự. Đi bộ từ Bắc Quang đến cổng trời Cắn Tỷ - là đỉnh cao nhất đến đây là kiệt sức chỉ có thể ngồi lại uống nước và không có 1 nguồn nước nào ở đó cả. Sau đó leo xuống và lại leo lên Mèo Vạc. Nửa ngày đến Bắc Quang, nửa ngày leo qua cổng trời Cắn Tỷ, rồi mới đến Mèo Vạc. Đứng ở Trạm y tế Mèo Vạc sẽ nhìn thấy ở xa cột cờ mốc giới hạn của Việt Nam và Trung Quốc. Nhìn xa xa hơn nữa là ruộng vườn của Trung Quốc. Đấy là địa đầu của Tổ quốc, còn đi xa hơn nữa phía Nam của Tổ quốc, ông được giảng dạy ở Trà Vinh, Tây Ninh, Sa Đéc (Đồng Tháp).

Tại Sa Đéc ông có giảng dạy 1 lớp và thực hiện 1 bài tập chưa từng làm với lớp học nào: “Chia lớp làm 5 nhóm, mỗi nhóm đi gặp 1 vị lãnh đạo tuỳ chọn ở 5 cơ quan trong tỉnh Đồng Tháp để vận động các vị lãnh đạo ấy ủng hộ cho công việc làm cho người dân ở địa phương được hưởng nước sạch và vệ sinh môi trường trong năm tới”. Đây là cuộc “vận động xã hội” hay đúng hơn nữa là “vận động hành lang”. Khi các nhóm trở về, thì đều cho biết kết quả rất tốt là được mọi người rất ủng hộ việc làm này.

Ngay chiều ngày hôm đó, trong khi tổng kết lớp học, ông lên cơn đau tim và thoáng mất ý thức. Lúc đó, ông đang đứng cạnh bàn và đã bám vào bàn để từ từ ngồi xuống ghế. Đây là triệu chứng báo trước tai biến mạch máu não. Trước đó ở Hà Nội ông đã bị 2 lần, ông không thể để bị đến lần thứ 3. Ngày hôm sau ông trở về Sài Gòn, từ chối mọi lời mời giảng dạy. Và mấy ngày sau ông bay về Hà Nội.

Theo ông chữa bệnh là chữa thân bệnh không bằng chữa tâm bệnh. Tâm bệnh rất quan trọng. Ông là người mất ngủ và đau dạ dày từ thuở thanh niên. Hồi trẻ, một bác sĩ người Pháp chẩn đoán ông bị lao xơ nhiễm và bị cảm lạnh, nên đã tiêm Streptomixin cho ông khiến ông bị ù hai tai cho đến bây giờ và cho uống Aspirin gây viêm loét dạ dày.

Giấc ngủ đối với mọi người là quan trọng nhất, nhưng mỗi đêm ông chỉ ngủ được 4 tiếng. Ông đã dùng các loại thuốc ngủ mà không điều trị được. Ông thấy không có thuốc nào có thể điều trị được bằng cái đầu của mình. Ông rút ra kết luận là phải để cho “Đầu óc trống rỗng”- tức là bỏ hết tất cả mọi thứ, không suy nghĩ gì trước và trong khi ngủ. Cách đó đã giải quyết được 1 phần của bệnh mất ngủ. Giữ cho đầu óc nhất là trong tâm trống rỗng, mọi sự vật, sự việc ở ngoài đời đều do tâm tạo ra. Nếu yên được tâm, thì yên được đầu, yên được đầu thì yên được bệnh, tâm bệnh quan trọng hơn thân bệnh.

Trong cuộc đời của ông có 2 lần phải lau nước mắt. Lần thứ nhất là khi được phân công học chuyên khoa Giải phẫu, mổ xác ướp để dạy sinh viên học về cấu tạo cơ thể người trên toàn bộ xác từ đầu đến chân. Đây là một môn học cơ bản để giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Hải Phòng sắp mở (nhưng 15 năm sau mới mở). Ông khi đó lại thích học ngoại khoa và thần tượng của ông là Giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông được chuyển sang học sản phụ khoa – là môn ông sợ nhất. Theo ông những thủ thuật làm với phụ nữ rất thô bạo kèm theo máu khiến ông sợ. Chính lần này ông đã rơi nước mắt vì những điều không theo ý muốn của mình.

Ông dạy giải phẫu 1 thời gian nhưng do bị dị ứng với formol nên phải chuyển nghề. Thời điểm đó, Giáo sư Hoàng Đình Cầu xây dựng môn Sư phạm Y học để đào tạo các giảng viên ngành y, ông cử anh Trưởng phòng Phân phối cán bộ đi các tỉnh và đã xem ông giảng bài, về báo cáo với Giáo sư gửi thư về Thái Bình, xin đúng ông về Hà Nội. Về Hà Nội, ông không biết chuyện đó, nên ông xin công tác tại Bệnh viện K để điều trị ung thư. Ông nhớ lại hồi học năm thứ 6 của Đại học Y khoa Hà Nội được thực tập tại Bệnh viện K do Bác sĩ trưởng khoa Ung thư hướng dẫn mổ ung thư vú cho một số bệnh nhân. Suốt 1 tháng thực tập tại khoa, ngày nào cũng được phụ mổ cho ông ấy. Kết thúc khoá thực tập, ông ấy cho ông Xuân Nghiêm tự tay cầm dao mổ cắt bỏ toàn bộ ngực bên trái, vét hết hạch di căn ở bên nách trái, dưới sự giám sát và chỉ dẫn của ông ấy. Đây là phẫu thuật lớn nhất ông Xuân Nghiêm được làm khi đó, rất sợ và rất thích.

Đến tai Giáo sư Hoàng Đình Cầu là ông xin vào Bệnh viện K, Giáo sư đã gửi công văn không cho nhận ông về làm việc tại Bệnh viện K mà bắt ông phải về Trường Quản lý cán bộ Y tế để chuẩn bị mở khoa Sư phạm Y học.

Lần thứ hai là khi ở trên Hà Giang, ông đã làm việc rất tốt, hết lòng hết sức như khi khám nghĩa vụ quân sự, nhưng lại bị một số người bới móc mọi khuyết điểm của ông, và quyết nghị kéo dài tập sự từ 1 năm lên 2 năm. Họ tổ chức 1 buổi liên hoan trong đó chủ yếu là phê bình ông, ông đã rất uất ức và về nằm khóc 1 mình. Qua 2 lần phải rơi lệ đó, ông nhận thấy rằng khi bị phân công học giải phẫu thì đêm đó mất ngủ, sáng hôm sau ông nghĩ ra 1 điều “Trong cái chết phải tìm được ra cái sống” – tức là giải phẫu trên thi thể người chết, dạy sinh viên áp dụng những gì thấy được ở trên cơ thể người chết vào ngoại khoa, phẫu thuật, nội khoa, sản khoa, mắt, tai mũi họng,… Dạy học “giải phẫu ứng dụng” như thế sinh viên rất thích, rất có tác dụng. Sau này, ông áp dụng trong đào tạo sư phạm. Còn ở Hà Giang, ông không làm gì nữa, chỉ làm những điều người ta bảo làm, người ta cho là tốt thì mình làm thật tốt, không cố gắng gì nữa thì lại được khen và được rút thời gian tập sự từ 1 năm còn 6 tháng để được nhận lương chính thức. Cách làm của ông hợp lý, khi không làm gì quá sức.

CHƯƠNG IX

KẾT

CUỘC ĐỜI BÀI HỌC LỚN

Cuộc đời ông là một hành trình dài của sự cống hiến, học hỏi và tìm kiếm sự an nhiên. Ông không chỉ là một người giảng viên tận tâm với nghề mà còn là một tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự khiêm tốn và tinh thần không ngừng học hỏi. Những giá trị mà ông để lại sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau.

16C

Nụ cười hiền hậu của Bác sĩ - Giảng viên Đại học y khoa.

Ở tuổi 92, ông Thành Xuân Nghiêm lưu giữ những giá trị y đức cao đẹp. Cuộc đời ông là một bản hùng ca lặng lẽ về sự kiên trì, lòng nhân ái và niềm tin vào sứ mệnh chữa lành. Những bài học ông để lại không chỉ dành cho thế hệ bác sĩ, giảng viên tương lai, mà còn là lời nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn trong bất kỳ ngành nghề nào.

“Các con tôi luôn sống trong sạch. Gia đình chúng tôi tuy làm trong ngành y nhưng không ai giàu có. Tôi làm bảng Hai thông gia ba đời thầy thuốc không vì mục đích gì khác hơn là chỉ mong các con cháu sau này nhìn vào mà tiếp nối truyền thống gia đình”, ông hân hoan nói.

Ông cũng thường xuyên khuyên bảo các con, các cháu. Mong muốn của ông là các con, các cháu được tự do phát triển bản thân. “Tôi cũng mong rằng sau này các con, các cháu đạt những danh hiệu còn cao hơn tôi”, ông chia sẻ.

Dù thời gian có trôi qua, ánh sáng từ sự cống hiến của ông vẫn sẽ mãi lan tỏa – như một ngọn đèn dẫn lối cho những ai đang theo đuổi con đường y học, hay đơn giản, cho những ai tin vào sức mạnh của sự tận tâm.

(Hết)

Người chắp bút: Nguyễn Trang

comment Bình luận