Hội thảo Quốc tế hướng tới nền giáo dục hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ khuyết tật

Trong 2 ngày (7 và 8/12), tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) tổ chức Hội thảo Quốc tế về giáo dục trẻ khuyết tật với chủ đề “Hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam”. Đây là Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về Giáo dục người khuyết tật do Viện KHGD Việt Nam tổ chức hai năm một lần.
08/12/2023 15:09

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đại diện một số ban, ngành, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như đại diện UNESCO, UNICEF, UNDP, CRS, KOICA, Angle Heaven...

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà thực hành, các giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục, cha mẹ trẻ khuyết tật trong nước và thế giới cùng trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những mô hình và các phương pháp, biện pháp, điều kiện đảm bảo hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ khuyết tật Việt Nam.

Với 2 phiên tổng thể, 4 phiên chuyên đề và 20 báo cáo của các chuyên gia, Hội thảo tập trung vào các nội dung: Phát triển chương trình giáo dục và học liệu đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đối với người khuyết tật trong bối cảnh chuyển đổi số; đảm bảo các điều kiện giáo dục chất lượng và giáo dục suốt đời cho người khuyết tật; định hướng phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam.

Trong phiên sáng 8/12, hội thảo đã nghe Báo cáo thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam của TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia. Báo cáo thông tin: Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê tỉ lệ khuyết tật ở trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,79%, tương đương khoảng 700.000 trẻ em khuyết tật. Tỉ lệ trẻ em khuyết tật ở khu vực nông thôn cao hơn 1,2 lần khu vực thành thị.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối với trẻ khuyết tật được đi học tham gia các phương thức giáo dục thì có khoảng 6% trẻ khuyết tật tham gia phương thức giáo dục chuyên biệt, gần 94% trẻ khuyết tật tham gia phương thức giáo dục hòa nhập và rất ít trẻ tham gia phương thức giáo dục bán hòa nhập.

Trao đổi về định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam Lê Anh Vinh cho biết: Quan điểm phát triển trong định hướng là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch liên quan. Đồng thời, quy hoạch theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, quan tâm đến vùng khó khăn. Giữ vững kết nối giữa các cơ sở giáo dục người khuyết tật và kết nối với cơ sở giáo dục khác, bảo đảm ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa.

Theo ông Vinh, mục tiêu tổng quát nhằm phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng; đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.

Phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên trao đổi, chia sẻ liên quan tới định hướng phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục tư thục,vấn đề giáo viên, phương pháp dạy và giải pháp hỗ trợ tăng cường điều kiện học tập cho người khuyết tật khó khăn.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer