Kháng kháng sinh, nhiễm trùng thông thường cũng có thể chết người
"May mắn là con bé đã sống sót. Con bé bị nhiễm trùng rất nhanh. Tình trạng vô cùng nguy kịch", Fuhrman kể về căn bệnh ập đến đứa con lớn của mình gần 5 năm trước.
Pearl đã phải chống chọi căn bệnh do nhiễm khuẩn Clostridium difficile (C. diff), một loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh.
Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi Pearl khoảng 20 tháng tuổi. Fuhrman nhận thấy con gái đại tiện liên tục, thậm chí lẫn mủ và máu trong phân. Cô buộc phải đưa con tới phòng cấp cứu khi Pear trở nên xanh xao và yếu ớt. Cô bé sau đó được xuất viện, nhưng lại lên cơn sốt và phải quay lại điều trị
Các bác sĩ cho Pearl sử dụng Flagyl, một loại kháng sinh phổ rộng. Nhưng hai ngày sau liều cuối, tình trạng của em trầm trọng hơn. Pearl chỉ hồi phục sau khi nhập viện tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota để cấy ghép hệ vi sinh, được hiến bởi cha của cô bé.
Christina Fuhrman và con gái Pearl đều nhiễm khuẩn C. diff sau khi sử dụng thuốc kháng sinh. Ảnh: Laura Ungar
Giống như con gái mình, Fuhrman cũng nhiễm vi khuẩn C. diff sau khi sử dụng thuốc kháng sinh do phải cắt tủy răng vào năm 2012. Khi khỏi bệnh, cô cố gắng tránh dùng thuốc kháng sinh và quyết định sẽ không bao giờ cho con gái mình sử dụng chúng.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy lạm dụng và sử dụng sai kháng sinh tại các bệnh viện nhi khiến vi khuẩn nguy hiểm này tấn công cả người lớn và trẻ em. Các bác sĩ lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ dẫn tới tình trạng kê đơn thuốc kháng sinh bừa bãi.
Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (Bệnh truyền nhiễm) vào tháng 1, chỉ ra cứ một trong 4 trẻ em sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện nhi ở Mỹ bị kê đơn không phù hợp - sai loại thuốc, dùng quá lâu hoặc không cần thiết.
Jason Newland, giáo sư nhi khoa tại Đại học Washington ở St. Louis, đồng tác giả của công trình, cho biết số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Nghiên cứu chỉ tập trung vào 32 bệnh viện đã có phương án sử dụng kháng sinh hợp lý. Newland cho rằng hơn 250 bệnh viện khác trên toàn quốc cần làm tốt hơn để giảm bớt tỷ lệ này.
Mark Schleiss, giáo sư nhi khoa tại Đại học Y Minnesota, cho biết: "Việc sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết là vấn đề tồn tại từ rất lâu. Covid-19 đã đổ thêm dầu vào lửa".
Hình minh họa độc tổ tự nhiên có trong khuẩn C.diff. Ảnh: Shutterstock
Nỗi lo về dịch bệnh khiến lượng trẻ em đi khám giảm, thậm chí một số cha mẹ bỏ qua những buổi kiểm tra định kỳ của con mình. Song nhiều trẻ vẫn tiếp tục sử dụng kháng sinh khi được điều trị từ xa.
Nghiên cứu cho thấy hơn 5.000 trẻ nhiễm nCoV phải nhập viện từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 9. Nếu bệnh nhân không mắc Covid-19, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh luôn.
Đồng thời, nhu cầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19 khiến thời gian dành cho các chương trình giám sát kê đơn thuốc kháng sinh trở nên eo hẹp. Thông thường, chương trình đòi hỏi y bác sĩ tham gia khóa học về sử dụng kháng sinh an toàn. Nhưng đại dịch khiến việc triển khai khó khăn hơn.
Giáo sư Newland nói: "Không còn nghi ngờ gì khi khẳng định việc lạm dụng thuốc kháng sinh là có thật. Tác động của đại dịch đối với vấn đề này rất lớn".
Kháng kháng sinh xảy ra do đột biến ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên. Những vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh sẽ bị tiêu diệt dễ dàng. Những vi khuẩn sống sót sẽ mang tính kháng thuốc cao và có thể truyền lại đặc tính này cho đời sau.
Nghiên cứu vào tháng 3, công bố trên tạp chí Infection Control & Hospital Epidemiology (Kiểm soát nhiễm trùng & Dịch tễ tại bệnh viện), cho thấy tỷ lệ bệnh nhân sử dụng kháng sinh tại 51 bệnh viện nhi dao động từ 22% đến 52%. Một số loại dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Số khác được kê nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc khi bác sĩ không biết lý do gây bệnh.
Joshua Watson, giám đốc chương trình quản lý thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Ohio, chia sẻ: "Tôi biết rất nhiều trường hợp kê đơn sử dụng kháng sinh chỉ để phòng ngừa. Chúng ta đã đánh giá thấp các tác dụng không mong muốn của vấn đề này".
Newland cho biết mỗi chuyên ngành trong y khoa đều có thói quen riêng trong việc sử dụng thuốc kháng sinh. Ví dụ, rất nhiều bác sĩ phẫu thuật dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng hậu phẫu.
Bên ngoài bệnh viện, bác sĩ thường bị chỉ trích vì kê thuốc kháng sinh quá thường xuyên, cho cả những bệnh như nhiễm trùng tai, vốn có thể tự khỏi hoặc do loại virus mà thuốc kháng sinh không điều trị được.
Shannon Ross, phó giáo sư nhi khoa và vi sinh tại Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết không phải tất cả các bác sĩ đều được học sử dụng kháng sinh đúng cách: "Rất nhiều người không nhận ra rằng họ đang lạm dụng kháng sinh, chỉ đến khi có ai khác chỉ ra điều đó".
Tình trạng kháng kháng sinh thúc đẩy sự phát triển của siêu vi khuẩn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Pediatrics (Tạp chí Nhi khoa) vào tháng 3 cho thấy sự gia tăng các ca mắc C.diff ở trẻ em. Bệnh gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
Nhiễm trùng siêu vi khuẩn có thể rất khó, đôi khi không điều trị được. Các bác sĩ thường phải chuyển sang kê kháng sinh liều cao với nhiều tác dụng phụ hoặc truyền thuốc qua tĩnh mạch.
Ross nói: "Vấn đề ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn. Chúng tôi đã tiếp nhận những bệnh nhân không thể điều trị bởi không có sẵn thuốc kháng sinh đủ mạnh".
Các bác sĩ lo ngại viễn cảnh thế giới đang tiến gần tới "kỷ nguyên hậu kháng sinh". Đó là khi thuốc kháng sinh không còn tác dụng và bệnh nhiễm trùng thông thường cũng có thể dẫn tới tử vong.
Các siêu vi khuẩn sinh ra do việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang trở nên vô cùng nguy hiểm.
Theo VnExpress
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm