Không cấm đào ngoại về Việt Nam qua cửa khẩu ở Nghệ An

Hải quan cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho phép thương lái, doanh nghiệp nhập khẩu đào từ Lào về Việt Nam.
21/01/2021 10:50

Đào nhập từ Lào được phép thông quan

Ngày 20/1, Đại tá Nguyễn Hải Bình – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, tại các cửa khẩu phụ, lối mở tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu.

“Tại cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho phép nhập khẩu hàng hoá có điều kiện. Đào là một loại hàng hoá thuộc thẩm quyền kiểm soát của Kiểm dịch thực vật và Hải quan tại cửa khẩu” – Đại tá Bình thông tin.

Ông Phan Văn Nhâm – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho hay, hiện chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định để thực thi việc cấm mua, bán cành đào. Nếu như ở miền Nam người dân đến ngày Tết chưng hoa mai thì ở miền Bắc và miền Trung lại chuộng hoa đào. Do đó, việc người dân có nhu cầu chưng hoa đào vào ngày Tết là chính đáng.

“Cây đào nói chung cũng giống như hàng hoá gỗ nhập khẩu, nếu doanh nghiệp có giấy tờ đầy đủ, đều được phép thông quan bình thường. Do dịch bệnh Covid-19 nên khi nhập về nước phải khử trùng, kiểm dịch như các loại thực vật khác thông thường. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy xe chở đào nào từ Lào về Việt Nam" - ông Nhâm chia sẻ.

vnp_2801_dao_rung

Dân buôn dè chừng

Theo ông Bạch Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ở Nghệ An chỉ có đào trồng của người dân, không có đào rừng, do đó, việc buôn bán vận chuyển đều là hợp pháp. 

Còn chị Phương Thảo - thương lái buôn đào ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Đào khu vực biên giới ở các xã Huội Tụ hay Mường Lống đều do người dân tự trồng tại nhà hoặc trên nương rẫy.

“Nếu cấm khai thác đào của người dân thì ảnh hưởng đến thu nhập trong dịp gần Tết. Do chưa có quy định nào cụ thể nên dân buôn đào năm nay có phần dè chừng" – chị Thảo chia sẻ. 

dao_rungq_hclo

Còn anh Đậu Xuân Đồng ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thông tin: Đào ở đây đều do người dân tự trồng trong vườn nhà hay trên rẫy. Đào rừng tự nhiên giờ quá hiếm, thậm chí tìm không thấy.

“Các thương lái vì lợi nhuận muốn bán cành đào giá trị nên tung hô lên thành đào rừng tự nhiên để bán. Đào chở về TP Vinh tiêu thụ hoàn toàn là đào trồng của người dân bản địa" – anh Đồng cho hay.

Đặc điểm cây đào tự nhiên hoặc đào trồng ở miền núi thường có nhiều rong rêu, xù xì, cây thực vật bám trên cành cây trồng lâu năm. Do đó, cây đào này thường tạo nên vẻ đẹp hoang sơ được dân chơi săn tìm.

Theo Vietnamnet

comment Bình luận

largeer