Không thể đảm bảo học sinh sẽ tiến bộ khi học online còn quá nhiều vấn đề

Việc dạy học trực tuyến đã phổ biến nhưng để đạt hiệu quả, chất lượng thì không nhiều, mới đạt được yêu cầu ở mức độ thấp, đó là duy trì việc học và tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trước đây, phụ huynh đã băn khoăn nhiều vấn đề khi con bắt đầu học online, nhưng khi trực tiếp chứng kiến con học online, phụ huynh lại càng khẳng định sự kém hiệu quả của phương pháp này.
31/08/2021 17:19

COVID-19 đòi hỏi học sinh, sinh viên thay đổi và thích nghi với cuộc sống giãn cách, chuyển từ học trực tiếp sang online và từ đó muốn học online thành công, học sinh, sinh viên cần chú ý các yếu tố cốt lõi như: Thói quen học tập, kỹ năng sử dụng công nghệ, không gian học tập, giữ gìn sức khỏe,...

Đáng chú ý, hãy xem giờ học online như học trực tiếp, hãy giữ phép tắc, kỷ luật, đảm bảo giờ giấc và sẵn sàng tâm thế cho việc học, phải có ý thức tự giác khi học một mình. Cần biết cách sử dụng với những thiết bị đang sử dụng như điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng... 

hoconline

Giữ gìn sức khỏe

Tự chăm sóc bản thân là một phần thiết yếu trong quá trình học tập online của. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, điều đó quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều nghiên cho thấy, con người có thể duy trì sự tập trung trong một lần khoảng 50 - 90 phút. Vậy nên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần giúp làm việc hiệu quả và không bị kiệt sức khi phải ngồi trước màn hình cả ngày, cả tuần, cả tháng.

Nên tránh thức khuya dậy sớm, lạm dụng cà phê, giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị trước khi ngủ và phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Hãy gạt bỏ những ưu phiền sang một bên giúp giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, tinh thần, khả năng sáng tạo. Thời gian ở nhà dài ngày khiến cơ thể mệt mỏi vì thiếu vận động, cần tập thể dục đều đặn, khoa học.

Trong thời gian giãn cách xã hội, không thể giao lưu, gặp gỡ bạn bè, nhưng vẫn có thể gặp nhau qua mạng. Bạn có thể gửi câu hỏi lên diễn đàn, trả lời thắc mắc của bạn học đều hữu ích. Bạn cũng có thể tạo nhóm học tập ảo với những người trong khóa học cùng sở thích, quan điểm, mục tiêu. Hãy giữ liên lạc với bạn bè và gia đình ở nơi khác qua điện thoại, tin nhắn hay trò chuyện video, tránh để bản thân cảm thấy bị cô lập.

Học online ư, không hề hiệu quả

Con bắt đầu bước vào học online từ cuối tháng 8, chị Phạm Hồng Nhung (Hà Nội) đã nhận thấy được vấn đề cấp thiết: "Học online đối với học sinh thì chỉ có tác dụng là đỡ quên kiến thức cũ và duy trì thói quen học bài thôi chứ dạy kiến thức mới không hiệu quả đâu. Ngay tới sinh viên đi học trên trường mà còn không tự giác, rất hiếm trường hợp tự học để lấy kiến thức mà hầu hết để học cho qua môn. Đối với học sinh nhất là cấp 1, cấp 2 thì còn hiếu động tò mò nên hầu như chẳng tác dụng bao nhiêu nếu dạy kiến thức mới".

Cùng quan điểm trên, anh Trường (Hà Nội) cho hay: "Học online chưa từng là thành công. Rất kém chất lượng. Cầm tay chỉ việc còn chưa ăn ai nữa là dạy qua đường truyền lag và cơ sở vật chất phụ thuộc nước ngoài như zoom meet, điện thoại học không được phải mua máy tính xong thải mớ máy tính này ra thì cũng phí không ít tiền. Quá tốn kém và không hiệu quả".

Một yếu tố nữa được chị Hà (Ba Đình, Hà Nội) phản ánh khi con học online: "Một yếu tố vô cùng quan trọng đó là điện, trong đó tỉ lệ mất điện đột ngột ở các vùng nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Chính con của tôi đang thực hiện học thêm online, khi đang học mất điện nên sẽ gián đoạn việc học rất nhiều, đến khi có điện trở lại thì các bạn ở khu vực khác đã học qua nhiều mục. Nên thiết nghĩ khi áp dụng học online ngoài nhà trường, gia đình thì ngành điện cũng nên đồng hành cùng. Chứ như hiện tại tôi thấy việc học ở trường vẫn là hàng đầu để học sinh không bị phân tâm và gián đoạn kiến thức".

Anh Vũ Tiến Đạt (Hà Đông) cũng hoàn toàn không đồng tình với việc học online: "Thật là sai lầm khi áp dụng lối học bình thường (face to face) với học online một cách không có hệ thống. Có nhiều trường bê nguyên thời gian biểu bình thường vào dạy online và bắt học sinh phải online đúng và đủ giờ như đi học bình thường. Đây không những là sai lầm căn bản về bảo vệ sức khỏe học sinh mà còn hoàn toàn vô ích vì học sinh không thể tiếp thu kiến thức bằng cách nhìn chằm chăm vào màn hình mà không có tương tác với giáo viên và các bạn trong lớp".

Bên cạnh những vấn đề các gia đình gặp phải, chị Lại Thị Thanh Nga (Giảng Võ) đã đưa ra ý kiến cần lưu tâm: "Bộ GĐ&ĐT nên quan tâm đến số lượng học sinh đang có ba mẹ là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch và phục vụ an sinh xã hội thì sẽ học thế nào khi các con còn nhỏ không có ai hỗ trợ và ở nhà với ông bà lớn tuổi. Mấy tháng cha mẹ đi chưa về, thì sách vở các con ai sẽ cung cấp, có đủ thiết bị cho các con học online không? Nếu có thiết bị, thì các con sẽ thế nào khi ba mẹ đang bận rộn không có trong group phụ huynh để nhận hỗ trợ. Nhiều điểm bất cập lắm, Bộ nên xem xét đủ các khía cạnh để tiến hành cho hợp lý".

Hiện đã có nhiều tỉnh thành bắt đầu triển khai chương trình giảng dạy và hầu hết sẽ áp dụng hình thức dạy và học online. Nhưng thiết nghĩ cũng đang có nhiều gia đình gặp khó khăn khi không có đủ thiết bị cho con học và nhận thấy phương pháp này rất tốn thời gian, không hề hiệu quả. Thêm vào đó, lại một nỗi lo về sức khỏe của học sinh khi phải phân bổ hợp lý để vừa học hiệu quả, vừa tự bảo vệ sức khỏe.

Thu Trang

 

comment Bình luận

largeer