Kịp thời bổ sung các giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến khó lường, các địa phương trên cả nước phải áp dụng các đợt giãn cách xã hội liên tục để kiểm soát dịch bệnh khiến doanh nghiệp hầu hết các nhóm ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
27/11/2021 21:02

Cùng với giải pháp dập dịch quyết liệt, hiệu quả, triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, các cấp chính quyền, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; triển khai gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng... Nhưng trên thực tế, cũng còn rất nhiều chính sách chưa tạo được hiệu quả hỗ trợ cao.

Theo Giám đốc Sở GTVT Đinh Xuân Hùng chia sẻ: chưa khi nào mà các doanh nghiệp, nhà xe vận chuyển hành khách lại khó khăn như hiện nay. Tuyến, chuyến, lượt xe vận hành và sản lượng hành khách sụt giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn phải bỏ chi phí để duy trì nhiều hoạt động. Sau nhiều đợt dịch bệnh phức tạp, sức chống đỡ của không ít doanh nghiệp cũng đã cạn dần, không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động; một số nhà xe phải dừng hoạt động, xe nằm bãi, kéo theo số lao động mất việc làm. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp vận tải đã đề xuất Chính phủ, ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; cho phép chưa xử lý hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải; đề xuất được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 và không tính lãi chậm nộp…

doanh-nghiep-fdi-nganh-duoc

(Ảnh minh họa)

Đại diện Hội Doanh nghiệp huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định cho biết: trên thực tế, đại đa số doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện quá chặt, thủ tục phức tạp khi tiếp cận chính sách hỗ trợ, nhất là gói hỗ trợ COVID-19 lần 1 của Chính phủ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn được ngành chức năng rà soát, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, bất cập để các doanh nghiệp thuận lợi, tiếp cận tốt với các gói hỗ trợ vượt qua khó khăn.

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp để vượt khó. Vì vậy, để thuận lợi trong tiếp cận, hưởng lợi từ chính sách, các doanh nghiệp đang gặp khó rất mong muốn các ngành, các địa phương sớm có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ vượt khó và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tăng cường các hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tăng cường xây dựng, triển khai các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng được giảm lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, ưu tiên bổ sung doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp, nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, khách sạn, vận tải...; nâng mức giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất, kinh doanh. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết năm 2022 (như thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí đặc thù từng ngành...).

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương không ban hành các chính sách mới hoặc áp dụng các chính sách từ nay tới hết năm 2022 mà làm tăng chi phí cho doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của Nhà nước; kiến nghị ban hành, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể...

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn, giúp các doanh nghiệp  tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” trong tương lai, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản, rút ngắn các quy trình, thủ tục trong thực hiện những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được ban hành. Tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tìm ra được tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục bám sát thực tế địa phương, kịp thời bổ sung các giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVD-19, góp phần tăng trưởng kinh tế. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; xúc tiến thương mại điện tử; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân, nhất là ở vùng đang có dịch.

Tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm đã được phê duyệt để các dự án này phát huy vai trò dẫn dắt, tạo ra cơ hội kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác nhau có thể tham gia. Các ngành, các địa phương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, quan tâm hơn đến phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sự kết nối với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng nội địa, giảm tối đa thiệt hại do phải dừng, giảm sản xuất.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Thanh Thúy

comment Bình luận

largeer