Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023
5 bài học kinh nghiệm của Kỳ thi năm 2023
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Cục trưởng Cục Quảnt lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm 2023, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.
Công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi được triển khai nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đúng hướng dẫn. Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%.
Qua phân tích phổ điểm cho thấy, các số liệu thống kê của kỳ thi năm 2023 cơ bản không thay đổi so với năm 2022. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.
Phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Điều này nói lên việc ra đề của Bộ GDĐT khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học. Từ kết quả kỳ thi cho thấy Kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển.
Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Huỳnh Văn Chương đề cập tới 5 bài học kinh nghiệm. Đó là, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, tuyển sinh.
Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả. Bộ GDĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi. Trong đó, Bộ GDĐT ban hành Quy chế thi, thực hiện ra đề thi và thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu thi đồng bộ và thuận lợi cho nhiều mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.
Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn ở từng Hội đồng thi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Sự phối hợp chặc chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GDĐT với các Bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban tuyên giáo,…
Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức Kỳ thi. Đặc biệt là sự chủ động của Sở GDĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Kỳ thi cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội đã bảo đảm Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi và thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ thi.
Giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Về phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025. Theo đó, Bộ GDĐT đang phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để hoàn thiện phương án vận chuyển đề thi qua hệ thống cơ yếu.
Từ năm 2025, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Dự kiến từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn. Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi từ năm 2025 cũng sẽ được thực hiện rõ nét hơn. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GDĐT.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an, đại diện một số Sở GDĐT đã có những trao đổi về kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm 2023, thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức và nêu kiến nghị, đề xuất về giải pháp thực hiện cho Kỳ thi năm 2024.
Từ góc độ chuyên gia, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ liên quan đến phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như kinh nghiệm quốc tế; phương thức cách thức tổ chức; định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT…
Làm kỹ lưỡng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện Bộ Công an, các Sở GDĐT, chuyên gia trao đổi tại Hội nghị; đồng thời gửi lời cảm ơn tới các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức trong việc chủ trì và phối hợp tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
“Có thể đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thành công, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy chế, tạo niềm tin, dư luận xã hội tốt”, chia sẻ điều này, Thứ trưởng nhấn mạnh tới một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, đó là bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thông suốt quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Từ hệ thống văn bản chỉ đạo bao quát, tới việc thành lập bộ máy điều hành chỉ đạo, lựa chọn con người, chuẩn bị cơ sở vật chất.
“Phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm còn thể hiện ở sự chủ động của địa phương, đặc biệt là các Sở GDĐT; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa ban chỉ đạo các cấp; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra: công tác thông tin, truyền thông đúng, đủ, kịp thời; công tác chuyên môn với những đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, những điều chỉnh nhỏ mang lại hiệu quả lớn như điều chỉnh về phương pháp, thời gian truy cập kết quả thi…
Kinh nghiệm quý báu từ việc tổ chức các kỳ thi trước cũng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc tới như là một trong những bài học mang lại thành công cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thứ trưởng vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi năm 2023 như vẫn còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; vẫn còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra chậm muộn tại một số địa phương; vẫn còn tình trạng chậm muộn trong việc tổ chức đăng ký của thí sinh tự do; một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…
Với tinh thần giữ ổn định Kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020-2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.
Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.
Nhấn mạnh quan điểm “nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”, Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở GDĐT sẽ tiếp tục làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên.
Nhân dịp này, một số tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT tặng bằng khen.
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm