Kỳ tích, "đông lạnh" chàng trai 24 giờ ngưng tim để cứu sống

Các bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội vừa thực hiện "đông lạnh" một chàng trai vào viện trong tình trạng nguy kịch, tím tái, ngừng tim trong 24 giờ để cứu sống.
14/04/2021 14:22

Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, kíp bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn (ngưng tim ngưng thở), bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phải dùng thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim, huyết áp. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong 24 giờ để cứu bệnh nhân, bảo vệ não, giảm tối đa di chứng tổn thương não.

Thân nhiệt bệnh nhân được hạ ở mức 32-36 độ C trong vòng 24-72 giờ sau cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Qua 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân, nâng dần 0,25 độ một giờ cho tới khi cơ thể đạt nhiệt độ bình thường.

benh nhan

Bác sĩ theo dõi bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

May mắn, tình trạng người bệnh ổn định hơn, có nhịp tự thở, đồng tử co nhỏ, có phản xạ rõ. Sau ngày thứ 5 điều trị, bệnh nhân có các phản xạ cựa chân tay khi kích thích đau, huyết áp ổn định trở lại. Sau ngày thứ 7, bệnh nhân mở mắt theo y lệnh.

Ngày 13/4, sau hơn một tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động, tự ăn uống và đi lại được.

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch tiến hành các thăm dò chuyên sâu tìm nguyên nhân ngừng tim, ngừng thở, theo dõi điện tim liên tục trong 24 giờ, chụp điện sinh lý kích thích, chụp động mạch vành... Bác sĩ phát hiện tim của bệnh nhân có các sóng tái khử cực (sóng J), nghi ngờ biểu hiện của hội chứng tái khử cực sớm (ERS). Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở người trẻ tuổi.

Để điều trị và dự phòng triệt để, các bác sĩ cấy máy khử rung tự động phòng chống đột tử (ICD) vào tim bệnh nhân. Nhờ đó, người bệnh đã trở lại cuộc sống thường ngày.

Bác sĩ Vũ Hải Vinh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, giải thích ngừng tim, còn gọi là ngừng tuần hoàn, là kết quả của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, nhưng bệnh nhân bị ngừng tim ngoại viện tỷ lệ sống sót dưới 10%. Nhiều bệnh nhân sống sót với di chứng thần kinh nặng nề như tổn thương não, tổn thương tim và các phản ứng viêm có hại khác... Hậu quả là phù não, viêm và hoại tử dẫn tới chết não, tử vong.

Hạ thân nhiệt là kỹ thuật tiên tiến, được đưa vào phác đồ cấp cứu ở nhiều nước, giúp hạn chế các tổn thương tế bào não, cải thiện thần kinh. Có ba cách để hạ thân nhiệt. Thứ nhất là chườm đá, nước lạnh, truyền nước muối lạnh. Cách này dễ sử dụng, chi phí thấp song tốn nhiều công sức và khó điều chỉnh nhiệt độ đích. Cách thứ hai là làm lạnh bên ngoài bằng miếng dán có thiết bị trao đổi nhiệt. Đây được xem là cách ưu việt và phổ biến bởi không xâm lấn, điều chỉnh nhiệt đơn giản, nhanh chóng, các thông số hiển thị rõ ràng trên monitor. Thứ ba là làm lạnh bên trong, bằng việc đặt một thiết bị vào tĩnh mạch, truyền dung dịch lạnh.

Các nghiên cứu trên thế giới chứng minh, hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tỷ lệ tử vong còn 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống 11%. Bệnh nhân thực hiện hạ thân nhiệt trước 6 tiếng kể từ khi ngừng tim cho hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả điều trị giảm.

Theo các chuyên gia, phương pháp này cũng gây ra các tác dụng phụ, thường gặp nhất là cơn co giật. Nguyên nhân là cơ thể phản xạ co và rung cơ nhằm sinh nhiệt, chống lại tác động ngoại biên, phục hồi nhiệt độ sinh lý 37 độ C. Vì thế, với mỗi ca hạ thân nhiệt, nhân viên y tế túc trực 24/24 giờ cạnh người bệnh, kiểm soát lượng nhiệt và xử lý kịp thời các biến chứng. Bác sĩ cho dùng an thần, giảm đau, thậm chí thuốc giãn cơ để bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, tiếp nhận điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thuyên, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, chia sẻ kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng thành công cứu sống nhiều bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện. Phương pháp này còn có thể áp dụng nhiều trong các bệnh lý khác như kiểm soát thân nhiệt trong hồi sức thần kinh sọ não, gồm đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và chấn thương sọ não nặng.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer