Lai Châu ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030

UBND tỉnh Lai Châu ban hành kế hoạch số 4918/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
19/12/2023 10:49

Kế hoạch nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 226/TTr-SYT ngày 29/11/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cụ thể như sau:

Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

Xây dựng kế hoạch thực hiện phòng, chống kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024-2030.

Chỉ đạo các đơn vị thuộc sở xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh trong y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

laichau

(Ảnh minh họa: Laichau.gov)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này và lồng ghép trong triển khai các kế hoạch của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý thuốc trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2024-2030, trong đó có công tác quản lý sử dụng kháng sinh, giám sát sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật; công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng kháng sinh, phòng chống kháng thuốc; Hướng dẫn, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất áp dụng quy trình thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tốt...

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan căn cứ quy trình, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên, xây dựng quy định về sử dụng kháng sinh, danh mục kháng sinh, giới hạn dư lượng kháng sinh sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện hàng năm phù hợp với điều kiện của địa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024-2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Sở Tài chính

Trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, đề xuất của các cơ quan, đơn vị; tham mưu trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, nhân viên y tế, thú y về phòng, chống kháng thuốc, sử dụng hợp lý, an toàn các thuốc kháng vi sinh vật.

Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền tháng hành động phòng, chống kháng thuốc.

Các sở, ban, ngành khác

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các tổ chức đoàn, hội thành viên đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, vận động hội viên và nhân dân tham gia phòng, chống kháng thuốc, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý theo đúng quy định chuyên môn, tổ chức phản biện chính sách và giám sát hoạt động phòng, chống kháng thuốc.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương.

Bố trí nguồn lực cho các hoạt động phòng chống kháng thuốc: nâng cấp các phòng xét nghiệm vi sinh, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát, kiểm tra việc sử dụng kháng sinh không hợp lý,…

Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer