Lào Cai bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch số 19/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh năm 2023. Bảo đảm ATTP trên địa bàn nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
18/01/2023 10:33

Kế hoạch nêu rõ: Năm 2023, tỉnh Lào Cai phấn đấu không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn; hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Giảm số mắc ngộ độc thực phẩm nhằm đạt chỉ tiêu: Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính/100.000 dân là dưới 08 người; 100% vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xử lý kịp thời, không để dư luận xấu trong xã hội.

100% UBND huyện, thị xã, thành phố được đánh giá, xếp loại và 100% UBND xã, phường, thị trấn được kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP. Trên 95% cán bộ làm công tác ATTP từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn được đào tạo, tập huấn cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về ATTP.

100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh được quản lý, trong đó trên 84% cơ sở đạt yêu cầu về ATTP; 100% các tổ chức, cá nhân vi phạm điều kiện ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được xử lý, giải quyết triệt để. Phấn đấu tiếp tục kiểm soát tốt không để xảy ra vi phạm về ô nhiễm sinh hoạt, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

85% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. 100% các siêu thị kinh doanh thực phẩm tổng hợp trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và 100% tiểu thương sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ thực hiện gửi Bản cam kết đảm bảo ATTP theo quy định.

Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phân phối; ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm soát các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (cơ sở nhỏ lẻ) được UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức ký cam kết và kiểm tra việc duy trì đảm bảo ATTP sau ký cam kết của cơ sở theo quy định.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP tại cộng đồng; mô hình chợ bảo đảm ATTP; Phấn đấu xây dựng và triển khai thực hiện 09 mô hình/dự án hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất sản xuất theo Chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của các địa phương gắn với đảm bảo ATTP tại 09 huyện, thị xã, thành phố; khuyến khích thành lập các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP đối với các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về các vấn đề ATTP xảy ra tại địa phương

Các cấp, các ngành, các tổ chức tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực quản lý về ATTP. Ban Chỉ đạo ATTP các cấp thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP tại địa phương. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu trách nhiệm theo Điều 53 Luật ATTP. Nếu cơ quan, ngành quản lý cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không thực hiện trách nhiệm đầy đủ, để gây ra ngộ độc thực phẩm thì cơ quan, ngành đó chịu trách nhiệm; Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về các vấn đề ATTP xảy ra tại địa phương.

Thông báo các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và các vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết và lựa chọn. Tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, lấy lực lượng giáo viên và học sinh các trường học THCS, THPT làm nòng cốt tuyên truyền về ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Tăng cường quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tránh kiểm tra trùng lặp cơ sở nếu không có dấu hiệu vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy cơ ô nhiễm thực phẩm hoặc khi phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị diễn ra tại địa phương và tăng cường hậu kiểm các cơ sở sản xuất, chế biến… thực phẩm cung cấp ra thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm. Tập trung giám sát an toàn thực phẩm bằng phương pháp Test nhanh tại các xã, các chợ nhất là các chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ cụm xã.

Triển khai có hiệu quả hoạt động về ATTP các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, mục tiêu Y tế - Dân số. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm cấp tỉnh năm 2023 tại huyện Bắc Hà…

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer