Lợi ích sức khỏe và bí quyết giúp giảm ăn thịt

Giảm tiêu thụ thịt được chứng minh là giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Tuy lợi ích đó còn phụ thuộc vào những thực phẩm ăn chung và loại thịt hạn chế tiêu thụ, nhưng việc giảm hoặc không ăn thịt chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực sau:
01/07/2024 17:42

Hỗ trợ sức khỏe tổng thể và kiểm soát cân nặng

Nhiều chế độ ăn không chứa hoặc hạn chế số lượng thịt được phát hiện là có lợi cho sức khỏe ở một mức độ nào đó. Đơn cử, các chế độ ăn dựa trên thực vật và thuần chay giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng so với chế độ ăn chứa nhiều động vật, chế độ ăn chứa nhiều thực vật hơn có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Không chỉ vậy, hạn chế ăn thịt cũng hỗ trợ giảm và kiểm soát cân nặng lành mạnh. 

Theo các chuyên gia, những lợi ích sức khỏe của việc hạn chế ăn thịt và tăng cường ăn rau quả là nhờ việc hấp thụ nhiều hơn các hợp chất thực vật có ích - bao gồm các chất chống ôxy hóa, chất xơ cùng một số vi dưỡng chất.

thit

(Ảnh: Healthline)

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Một trong những khía cạnh được nghiên cứu nhiều nhất của các chế độ ăn dựa trên thực vật là ảnh hưởng đối với sức khỏe tim mạch. Tuy còn nhiều tranh cãi xung quanh mối liên quan giữa tiêu thụ chất béo bão hòa (chủ yếu từ các sản phẩm động vật) và việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng các chuyên gia đều khuyến nghị hạn chế ăn các loại thịt chứa nhiều chất béo bão hòa, như thịt đỏ chứa nhiều mỡ, thịt muối xông khói, xúc xích… Hơn nữa, lợi ích giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhiều nhất là khi thay thế các nguồn chất béo bão hòa bằng các nguồn chất béo không bão hòa, thường có trong cá, hạt lanh và quả óc chó.

Thông thường, các chế độ ăn dựa trên thực vật không chứa hoặc chứa ít thịt và thường giàu nguồn chất béo không bão hòa - như từ các loại rau quả như hạt, bơ và dầu ôliu, đồng thời cũng giàu chất xơ có công dụng giảm hàm lượng cao cholesterol trong máu.

Bên cạnh đó, loại thịt bạn chọn ăn cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn, thịt chế biến sẵn chứa hàm lượng cao natri nên góp phần gây bệnh huyết áp cao. Nên nếu chưa thể loại bỏ thịt khỏi bữa ăn, cần tránh chọn thịt chế biến sẵn mà nên chọn loại thịt nhiều nạc hơn, các loại cá béo và các loại thực vật giàu chất xơ vốn tốt cho sức khỏe tim.

Cải thiện sức khỏe đường ruột

Do các chế độ ăn giảm thịt thường giàu rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và thực vật khác, nên thường chứa hàm lượng cao chất xơ. Đây là “thức ăn” của các lợi khuẩn đường ruột - loại vi khuẩn sản xuất hợp chất kháng viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch cơ thể. Không chỉ vậy, prôtêin thực vật và hợp chất thực vật polyphenol cũng giúp duy trì sức khỏe đường ruột. 

Trái lại, một số nghiên cứu cho thấy chất béo và prôtêin từ các nguồn động vật có thể thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột ít có lợi hơn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sự trao đổi chất và gây ra bệnh tim.

Phòng chống một số loại ung thư

Prôtêin động vật - đặc biệt là từ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn - có thể làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư đại trực tràng và một số bệnh ung thư như ung thư vú. Trong khi đó, chế độ ăn thiên về thực vật có thể giúp phòng chống nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư khác. Theo một số nhà nghiên cứu, chất béo bão hòa và các hợp chất sinh ung thư được tạo ra trong quá trình chế biến thịt và nấu ở nhiệt độ cao có thể góp phần làm khởi phát một số bệnh ung thư.

Tốt hơn cho môi trường

Quá trình sản xuất thịt thường đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn, dẫn đến thải ra nhiều khí nhà kính hơn và góp phần dẫn tới nạn phá rừng và ô nhiễm ở mức độ lớn hơn so với sản xuất rau quả và các sản phẩm thực vật ít chế biến khác. Nên về góc độ môi trường, chế độ ăn hạn chế thịt tốt hơn cho môi trường. Hơn nữa, việc hạn chế hoặc  loại bỏ thịt khỏi bữa ăn hằng ngày còn giúp bạn tăng cường tiêu thụ các thực phẩm thực vật giàu dưỡng chất và xây dựng chế độ ăn đa dạng và cân bằng dinh dưỡng hơn.

Mẹo hữu ích giúp giảm ăn thịt

Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng việc thay thế thịt đỏ/thịt chế biến sẵn bằng thịt gia cầm và thủy hải sản. Đây là những nguồn prôtêin nhiều nạc hơn, nhưng có lượng chất béo bão hòa thấp hơn. Thử dùng các nguồn prôtêin thực vật lành mạnh, như các loại đậu, hạt, bơ và chế phẩm làm từ đậu nành. Bạn cũng có thể giảm ăn thịt thông qua việc kết hợp prôtêin thực vật và prôtêin động vật trong chế biến món ăn.

Để tạo hứng thú ăn uống khi hạn chế ăn thịt, hãy thử đặt mục tiêu dùng một món ăn mới chế biến từ thực vật hằng tuần. Bạn có thể dễ dàng thực hiện việc này bằng cách tham khảo công thức trên mạng.

Theo Healthline

comment Bình luận

largeer