Lưu ý tai nạn dễ xảy ra khi con trẻ học trực tuyến tại nhà và cách xử lý

Mới đây, vụ việc bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh. Dù bất cứ hoạt động nào của con, phụ huynh cũng nên sát sao, theo dõi và cần có hiểu biết về kỹ năng sơ cứu nhanh bất cứ khi nào có trường hợp xấu xảy ra.
11/09/2021 11:48

Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp. Dòng điện khi đi qua cơ thể làm cho nạn nhân bị chóng mặt, khó thở, thậm chí tim ngưng đập. Ngoài ra dòng điện còn gây ra những vết phỏng da ở nơi tiếp xúc. Vậy làm thế nào đảm bảo an toàn cho con trẻ khi học trực tuyến?

Phụ huynh cần làm gì để trẻ tránh bị điện giật?

Nói chuyện với con bạn về cách thức hoạt động của điện

Kiểm tra các đường dây điện trong môi trường xung quanh bạn. Và dạy cho trẻ em của bạn về cách công ty điện lực đã làm việc để làm cho đường dây của họ an toàn. Chỉ cho chúng cách hoạt động của phích cắm và chúng không nên nhét bất cứ thứ gì vào ổ cắm điện. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lưu ý về an toàn điện cho trẻ nhỏ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lưu ý về an toàn điện cho trẻ nhỏ

Lưu tâm việc học trực tuyến của trẻ

Để tránh những tai nạn xảy ra, phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm trước khi bàn giao thiết bị cho con cái mình sử dụng, có thể nâng cấp thiết bị điện tử trẻ đang dùng học trực tuyến để đảm bảo an toàn, tránh rơi vào tình huống vì đồ điện kém chất lượng tạo ra hở điện, cháy nổ khi sử dụng.

Phụ huynh nên nhắc nhở, lưu ý về nguy cơ điện giật, cảnh báo trẻ không tiếp xúc với những nguồn điện như ổ cắm điện, dây kết nối các nguồn điện… Không dùng hay tiếp xúc với các chất dẫn điện.

Trước khi bắt đầu buổi học trực tuyến, phụ huynh nên kiểm tra thiết bị điện, điện tử đã đóng cắt điện đúng cách chưa, yêu cầu trẻ giữ khoảng cách với nguồn điện. Khi xảy ra sự cố về điện phải liên hệ trực tiếp với bố mẹ tuyệt đối không được tự ý sửa chữa.

Với các em học sinh có tính hiếu kì thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện do đó cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về tai nạn điện giật, giám sát, theo dõi quá trình học của con để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Theo các chuyên gia về công nghệ, để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện thoại thì cần hạn chế bật mạng di động (3G/4G) hoặc wifi liên tục để tránh gây bức xạ lớn khi dùng. Không cắm sạc khi điện thoại đang bị ướt vì có thể gây chập, cháy hay rò rỉ điện, không chơi game, chạy các chương trình nặng khi đang sạc.

Đối với việc sử dụng laptop và khắc phục hiện tượng laptop bị giật điện, nhất là các laptop có vỏ bằng kim loại thì có thể sử dụng Adapter ba chấu nhằm loại bỏ dòng điện rò rỉ gây sốc cho laptop, rút phích cắm laptop trước khi kết nối các phụ kiện, thay pin mới...

Một số kỹ năng an toàn khi sử dụng thiết bị điện

Thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé. Nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào. Đặc biệt là những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt như: đèn ngủ, đèn nháy… nên để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong cần cất lên cao. Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0 - 6 tuổi.

Rút phích cắm, tắt công tắc các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng. Cất dây sạc điện thoại khi sạc xong để tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm và cho vào mũi, miệng. Cha mẹ cũng cần chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em.

Ngoài ra, với các thiết bị điện trong nhà, cha mẹ nên sử dụng những biểu tượng cảnh báo để tạo thói quen cho trẻ nhỏ.    

trebidiengiat

Cách sơ cứu khi bị điện giật

Trước hết cần phải bình tĩnh, đừng hốt hoảng và kêu mọi người xung quanh giúp đỡ.

- Ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được công tắc, cầu dao điện thì phải đứng trên vật khô cách điện dùng cây, cán chổi, hay chiếc ghế đẩu đẩy tay, chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện.

- Nếu trẻ còn tỉnh: an ủi trẻ để trẻ yên tâm. Nếu thấy trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngừng tim ngừng thở. Khi thấy trẻ ngừng thở ngừng tim phải tiến hành hà hơi thổi ngạt - ép tim ngoài lồng ngực: làm ngay theo các bước sau, phải kiên trì, không được vận chuyển đi nơi khác khi trẻ chưa tỉnh.

Vỗ mạnh 3 - 5 cái vùng ngực. Đặt trẻ lên nền cứng (ván cứng, mặt đất), nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc trên người làm cản trở hô hấp.

Hà hơi thổi ngạt: Quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu trẻ. Bàn tay trái đặt sau gáy, nâng nhẹ cổ và banh miệng. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân.

Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn ngực nạn nhân. Dùng sức hà hơi trong phổi mình vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để hà tiếp theo. Thổi nhanh 5 lần liên tiếp. Những lần sau, cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer