Thế giới đã biết những gì về sự nguy hiểm của biến chủng Eta

Biến chủng Eta (B.1.525) vẫn đang được các nhà khoa học và giới chức y tế toàn cầu theo dõi chặt chẽ do có chứa một số dạng đột biến có khả năng lây nhiễm lớn hơn, dễ dàng hơn. Biến chủng Eta và sự nguy hiểm của nó đã xuất hiện tại 70 quốc gia.
11/09/2021 07:48

Ngày 9/9, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết nước này đã phát hiện 18 ca mắc biến chủng Eta, có tên khoa học là B.1.525. Đây là kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nhập cảnh vào Nhật Bản từ tháng 12/2020 đến ngày 3/9/2021.

Trước đó, biến chủng Eta từng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Ấn Độ khi một người đàn ông từ nhập cảnh từ Dubai dương tính với chủng virus này. Tuy vậy, đây không phải là những ca mắc biến chủng Eta đầu tiên tại Ấn Độ. Hai trường hợp dương tính đã được phòng thí nghiệm virus Nimhans phát hiện từ tháng 4.

Được phát hiện lần đầu tại Nigeria, Anh và một số quốc gia khác tháng 12/2020, đến nay, biến chủng Eta đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia. Dù không thể chiếm ưu thế và gây ra những làn sóng dịch lớn như biến chủng Alpha hay Delta, Eta vẫn được giới khoa học chú ý vì chứa một số dạng đột biến có tiềm năng nguy hiểm.

Các dạng đột biến quen thuộc

Biến chủng Eta chứa dạng đột biến E484K giống các biến chủng Gamma, Zeta và Beta. Tuy vậy, chủng virus này không chứa dạng đột biến N501Y như các biến chủng Alpha, Beta hay Gamma.

Đột biến N501Y được cho là giúp virus có khả năng lây nhiễm lớn hơn và dễ dàng hơn. Trong khi đó, đột biến E484K có thể giúp virus kháng cự tốt hơn với hệ miễn dịch của con người.

a1

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết nước này phát hiện 18 ca mắc biến chủng Eta từ tháng 12/2020 đến nay

Bên cạnh đó, các amino acid histidine và valine ở vị trí 69 và 70 trong biến chủng Eta cũng bị xóa, giống như biến chủng Alpha. Ngoài ra, biến chủng Eta còn có dạng đột biến F888L mới. Đây là điểm khiến chủng virus này khác biệt so với các biến chủng khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng Eta có nguy cơ làm giảm tác dụng của vaccine và của một số loại kháng thể đơn dòng trong điều trị.

“Biến chủng B.1.525 dường như có ‘các dạng đột biến quan trọng’ được phát hiện ở các chủng virus mới. Do đó, tác động của chúng có thể phần nào được dự đoán, ở một mức độ nhất định”, giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi Eta là chủng virus “đáng quan tâm” (VUI). Điều này đồng nghĩa với việc biến chủng Eta gây ra nhiều ổ dịch ở nhiều quốc gia khác nhau và chứa một số dạng đột biến có khả năng làm virus lây lan nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn, chống chọi tốt hơn với hệ miễn dịch hoặc thuộc điều trị.

Nếu mức độ quan ngại đối với biến chủng này tăng lên, nó sẽ bị xếp vào dạng biến chủng "đáng lo ngại" (VOC) cùng Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Biến chủng Eta được báo cáo lần đầu tại Nigeria giữa tháng 12/2020. Không lâu sau đó, biến chủng này cũng được phát hiện tại Anh, Pháp và một số quốc gia khác. Chỉ hai tháng sau, chủng virus Eta đã xuất hiện trong trình tự gene trong các ca mắc COVID-19 tại Nigeria.

Theo GISAID, website chuyên theo dõi các biến chủng COVID-19, tỷ lệ xuất hiện chủng Eta đạt đỉnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. Sau đó, số ca nhiễm dần có chiều hướng suy giảm. Châu Phi và châu Đại Dương là các khu vực từng có tỷ lệ số ca mắc chủng Eta trên tổng số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất.

Xu hướng không mới

Sự xuất hiện của biến chủng Eta là một phần của xu hướng sản sinh ra các biến chủng COVID-19 mới trên quy mô toàn cầu. Khi đại dịch COVID-19 càng lây lan rộng, các chủng đột biến càng dễ xuất hiện. Một số biến chủng có thể không gây hại hay bị tuyệt chủng nhanh chóng, tuy nhiên một số biến chủng có thể gây nguy hại, tiêu biểu là Alpha hay Delta.

Ngoài Eta, WHO còn xác định 4 biến chủng đáng quan tâm khác là Iota (tên khoa học là B.1.526, phát hiện lần đầu ở Mỹ tháng 11/2020), Kappa (B.1.617.1, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 10/2020), Lambda (C.37, phát hiện lần đầu ở Peru tháng 12/2020) và Mu (B.1.621, phát hiện lần đầu tại Colombia tháng 1/2021).

a2

Nigeria là quốc gia đầu tiên phát hiện biến chủng Eta.

Trong khi đó, các biến chủng “đáng quan ngại” có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn với sức khỏe con người, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.

Các biến chủng đã được WHO xếp vào nhóm “đáng quan ngại” bao gồm Alpha (tên khoa học là B.1.1.7, phát hiện lần đầu ở Anh tháng 9/2020), Beta (B.1.351, phát hiện lần đầu ở Nam Phi tháng 5/2020), Gamma (P.1, phát hiện lần đầu ở Brazil tháng 11/2020) và Delta (B.1.617.2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 10/2020).

Theo các nhà khoa học, đột biến là hiện tượng thường xuyên xảy ra với các virus. Để giảm thiểu các dạng đột biến có hại, cách tốt nhất là ngăn chặn chuỗi lây lan của virus.

“Một khi nhiều người được tiêm vaccine hơn, virus sẽ có ít vật chủ để sinh sống, tiến hóa và đột biến hơn”, tiến sĩ Paul Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland, nhận định.

Ngọc Huyền (Theo Reuters)

comment Bình luận

largeer