Lưu ý trong dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người bệnh gout dịp Tết

Theo các chuyên gia, bệnh gout có mối liên quan chặt chẽ với chế độ ăn. Do đó, trong những ngày Tết, người bị bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần hết sức chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và sinh hoạt. Bởi kỳ nghỉ Tết kéo dài cùng với những bữa ăn triền miên sẽ khiến dư thừa lượng calo.
17/01/2023 12:02

Những điều bệnh nhân gout nên làm trong dịp Tết

Những thực phẩm người bệnh gout nên ăn

Những món ăn có trong ngày Tết thường làm những người bị bệnh gout ngao ngán và cần kiêng khem. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người bệnh gout vẫn có thể ăn các chất đạm trong phạm vi cho phép với khoảng 1.800 kcal/ngày, trong đó có khoảng 100-150g thịt/ngày và 400g rau xanh, hoa quả…

Lưu ý trong dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người bệnh gout dịp tết. Ảnh: TTVN

Lưu ý trong dinh dưỡng, sinh hoạt dành cho người bệnh gout dịp tết. Ảnh: TTVN

Những thực phẩm mà người bệnh gout nên tăng cường sử dụng trong dịp Tết bao gồm:

– Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric.Các thực phẩm giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric.

– Tích cực ăn thực phẩm ít purin: Ngũ cốc, bơ, các loại hạt… Đặc biệt là trứng, sữa không chứa purin nên người bệnh gút nên thường xuyên sử dụng.

– Ưu tiên rau xanh, hoa quả: Rau cải bẹ xanh, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ và các loại quả dưa hấu, nho, táo, lê, đu đủ chín… vừa ít nhân purin, vừa giàu vitamin C, E, rất tốt cho người bệnh gút.

– Người bị bệnh gout nên uống nhiều nước (2 – 3 lít/ngày). Nên uống các loại nước khoáng không gas có độ kiềm cao giúp đào thải acid uric và tiêu giảm kết tinh urat tại ống thận.

Những điều người bệnh gout nên làm

Bên cạnh việc lựa chọn những thực phẩm nên ăn thì người bệnh gout cũng nên thực hiện một số điều sau trong chế độ sinh hoạt để luôn đảm bảo có một sức khỏe dồi dào trong dịp Tết.

– Duy trì thói quen tập thể dục, tránh làm việc nặng, quá sức. Nếu lỡ ăn nhiều món ăn giàu đạm, người bệnh nên tăng cường vận động để tiêu hao lượng calo dư thừa bằng cách đi bộ, đạp xe đạp hoặc khởi động tại chỗ…

– Luôn giữ cho mình trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan và yêu đời; tránh thức khuya, căng thẳng.

– Giữ ấm cơ thể để tránh bị cảm lạnh và đau nhức xương khớp.

– Ngâm chân với nước ấm, thoa dầu vào gan bàn chân và đi tất trước khi đi ngủ.

Những điều bệnh nhân gout không nên làm trong dịp Tết

Tết đến, trên mâm cơm của mỗi gia đình đều có rất nhiều món ăn. Những món ăn lại rất giàu calo. Do đó, điều người bệnh gout không nên làm nhất là phải kiêng những món ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh gout của bản thân.

Những điều bệnh nhân gout không nên làm trong dịp Tết. Ảnh: TTVN

Những điều bệnh nhân gout không nên làm trong dịp Tết. Ảnh: TTVN

– Người bị bệnh gout cần tuyệt đối tránh ăn những loại thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt dê, thịt ngựa…). Bởi những loại thịt này chứa lượng đạm cao. Nếu người bệnh gout ăn vào sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric, gây ra các cơn đau gút.

– Người bệnh gout tránh không ăn phủ tạng động động vật (tim, gan, lá lách, thận, lòng, phổi). Do trong phủ tạng động vật có chứa lượng cholesterol và purin khá cao nên có thể gây ra các cơn đau gút cấp bất cứ lúc nào.

– Vì là dịp Tết nên người bệnh gout đặc biệt tránh ăn bánh chưng, dưa hành, thịt đông. Bởi bánh chưng làm tăng sưng viêm; thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành có hàm lượng muối cao.

– Người bệnh gout cần tránh uống nước ngọt, nước tăng lực. Vì các loại nước ngọt và nước tăng lực làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ mắc gút và sỏi thận nên không tốt cho người bệnh gút.

– Người bệnh gút cũng nên hạn chế ăn socola trắng (sữa), bánh kẹo để tránh thừa cân hoặc đường tăng cao gây tiểu đường, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gút.

– Người bệnh gút cần cự tuyệt rượu, bia, đồ uống có gas.  Vì các thức uống này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp gây tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải urat qua thận.

– Người bệnh gút cũng cần hạn chế  ăn các thực phẩm giàu chất béo (mỡ, da động vật, đồ chiên rán); những thực phẩm chế biến với chất béo (mì tôm, thức ăn nhanh) nhằm giảm tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể và chế ngự cơn đau gút thành công.

– Người bệnh gout không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều nhân purin như: Măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, dọc mùng, cải bó xôi, bông cải…

– Người bệnh gout tránh ăn nem chua. Dù đây là đồ ăn hấp dẫn trong dịp tết. Song nó lại khiến acid uric sản sinh nhanh hơn, không tốt cho người bệnh gout.

– Người bệnh gout tránh ăn gà tây, thịt ngỗng, trứng vịt lộn. Bởi đây là top thực phẩm có hàm lượng purin cao.

– Người bệnh gout đặc biệt tránh xa thịt chó. Vì thịt chó chứa nhiều đạm nên chỉ cần ăn vài miếng thịt chó có thể khiến người bệnh gút sống dở, chết dở.

– Người bệnh gout tránh ăn các loại hải sản. Vì hải sản giàu đạm và nhiều chất béo sẽ khiến tình trạng bệnh gout thêm đau đớn và trầm trọng hơn.

Thông tin tham khảo thực phẩm ngày Tết

50g mứt (105 calo) = 28 phút hít đất

1 lon bia (140 calo) = 15 phút chạy bộ

1 lon nước ngọt (145 calo) = 25 phút bơi lội

50g giò thủ (250 calo) = 58 phút đi bộ nhanh

50g lạp xưởng chiên (300 calo) = 45 phút đạp xe

1/8 bánh chưng chiên (350 calo) = 31 phút nhảy dây

Trên đây là những lưu ý trong dinh dưỡng và sinh hoạt dành cho những người bị bệnh gout dịp Tết. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và chế độ sinh hoạt đúng cách không chỉ giúp cải thiện tình trạng bệnh gout mà còn góp phần nâng cao sức khỏe cho cơ thể, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị bệnh gout. Như vậy, niềm vui sum họp ngày Tết sẽ tròn đầy và ý nghĩa hơn.

Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer