Mẹo giúp bé sơ sinh hết nghẹt mũi tại nhà

Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Dù không nguy hiểm, nhưng nếu xử lý sai cách có thể ảnh hưởng đến hô hấp, giấc ngủ và gây biến chứng.
05/07/2025 11:00

Thận trọng khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Những tiếng khụt khịt khi bé ngủ tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến nhiều cha mẹ, nhất là người lần đầu nuôi con, không khỏi lo lắng.

Đường thở của trẻ sơ sinh vốn rất hẹp, niêm mạc mũi dễ sưng và trẻ chưa biết thở bằng miệng. Chỉ một ít dịch nhầy cũng có thể khiến bé khó chịu, quấy khóc.

Empty

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường quấy khóc và bú kém (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân nghẹt mũi ở trẻ được chia làm hai nhóm: sinh lý và bệnh lý. Phổ biến nhất là nghẹt mũi sinh lý do chất nhầy còn sót lại sau sinh hoặc trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường mới.

Trong khi đó, nghẹt mũi bệnh lý ít gặp hơn, có thể do viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, cúm, viêm mũi dị ứng, dị tật vách ngăn mũi, hẹp mũi sau hoặc có dị vật trong mũi.

Dù không quá nguy hiểm, nhưng nếu không xử lý đúng cách, nghẹt mũi có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, bú mẹ, hô hấp và gây biến chứng ngoài ý muốn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Khi bị nghẹt mũi, trẻ thường thở khò khè, ngủ không yên giấc, hay quấy khóc, kèm theo chảy nước mũi, hắt hơi hoặc ho nhẹ.

Do mũi bị tắc, trẻ phải thở bằng miệng, dễ gây khô rát cổ họng. Chất nhầy chảy xuống họng cũng khiến bé cảm thấy vướng víu, khó nuốt và dễ nôn trớ.

Nghẹt mũi còn ảnh hưởng đến việc bú. Trẻ không thể vừa bú vừa thở bằng miệng, phải ngưng bú giữa chừng để thở, khiến bữa bú bị gián đoạn, bú ít hơn bình thường và dễ bị sặc hoặc nôn ói.

Empty

Nghẹt mũi khiến trẻ khó thở đặc biệt khi nằm ngửa (Ảnh minh họa)

Mẹo giúp bé sơ sinh hết nghẹt mũi tại nhà

Khi trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ hoàn toàn có thể xử lý tại nhà nếu biết cách an toàn và đúng.

Cách đơn giản nhất là nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào từng bên mũi để làm loãng dịch nhầy, giúp mũi thông thoáng hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều vì có thể gây khô hoặc kích ứng niêm mạc mũi.

Empty

Dùng nước muối sinh lý đúng cách giúp làm sạch mũi cho bé (Ảnh minh họa)

Sau khi nhỏ nước muối vài phút, dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để hút dịch nhầy ra ngoài. Lưu ý chỉ nên hút 2-3 lần mỗi ngày để tránh tổn thương niêm mạc mũi mỏng manh.

Giữ ẩm không khí trong phòng cũng rất quan trọng. Cha mẹ có thể sử dụng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước ấm trong phòng để giúp bé dễ thở hơn.

Ngoài ra, nên kê cao đầu bé khi ngủ để dịch mũi không bị ứ đọng. Một số mẹo dân gian như xoa dầu tràm vào gan bàn chân rồi mang tất, hoặc massage nhẹ vùng lưng, ngực cũng có thể giúp bé dễ thở hơn.

Khoa Nguyên (tổng hợp)

comment Bình luận