Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng

Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Kéo theo đó, các chế độ chính sách về chăm sóc người cao tuổi cũng trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm.
14/12/2020 10:00

Thực trạng già hóa dân số và tình hình người cao tuổi ở Việt Nam

Già hóa dân số là vấn đề mang tính quốc tế và đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam là nước nghèo và đang phát triển, nhưng có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới (17-20 năm) đang đặt ra những thách thức lớn đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo báo cáo của Tổng cục dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, cuối năm 2019, cả nước có tới 12,875 triệu người từ 60 tuổi trở lên.

Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi (cuối 2019), cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, người cao tuổi Việt Nam hiện nay có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp. Trung bình mỗi người phải chịu 14 năm bệnh tật, trong tổng số 73 năm trong cuộc sống.

nct

Hình minh họa.

người cao tuổi chức năng các cơ quan trong cơ thể suy giảm kéo theo khả năng phòng và chống bệnh tật giảm, khả năng đáp ứng và điều trị phục hồi sức khỏe cũng giảm so với lúc còn trẻ.

Người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhiều hơn (chi phí chăm sóc sức khỏe NCT cao 3-4 lần khi còn trẻ), có tới 95% NCT có nhu cầu chữa bệnh, nhưng chưa hoàn toàn được đáp ứng. Lý do khiến họ không được khám chữa bệnh là không đủ khả năng kinh tế (chiếm 45,3%), điều kiện đi lại khó khăn (chiếm 17,3%) và điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được (chiếm 16,5%).

Những chỉ số sức khỏe, những thông tin về tỷ lệ bệnh tật và tình trạng sức khỏe chung nói trên cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là rất lớn.

Đòi hỏi hiện nay đó là làm thế nào giúp người cao tuổi biết cách phòng tránh một số bệnh thông thường, để biết cách tự chăm sóc để nâng cao sức khỏe, giảm thiểu biến chứng khi mắc bệnh mạn tính.

Người cao tuổi là những người có nhiều kinh nghiệm về đời sống, xã hội, có thời gian tham gia chăm sóc sức khỏe và hầu hết người cao tuổi đều yêu thích các hoạt động giao lưu tập thể. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt nhất là phải thực hiện tại cơ sở, để giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Từ đó Dự án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng được ra đời, hoạt động thông qua mô hình các câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe.

 

Xu thế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam 

Hiện nay, trên thế giới việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được  quan tâm đặc biệt. Năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận bản Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi. Trong đó, ba hành động ưu tiên là người cao tuổi và sự phát triển, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc cho tuổi già và đảm bảo môi trường hỗ trợ cho người cao tuổi.

Tại Nhật Bản, do tốc độ xã hội già hóa diễn ra nhanh chóng, từ năm 1970 Nhật Bản bắt đầu chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Từ năm 1990, các cuộc cải cách phúc lợi xã hội được đẩy mạnh: từ chỗ đề cao dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà chuyển sang việc chú trọng xây dựng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản đem lại nhiều gợi mở cho việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam.

nct1

Hình minh họa.

Tại Việt Nam trong những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, nước ta có nhiều chính sách, chương trình được thực hiện chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Gần đây nhất, ngày 13/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2020 - 2030.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Đề án được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ưu tiên các tỉnh thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều người cao tuổi gặp khó khăn, hoặc người cao tuổi là người dân tộc thiểu số. Nội dung đề án tập trung vào “các hoạt động tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đề án còn xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi;…”

Mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng

Nhằm giải quyết bài toán sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam, Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo Dự án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua câu lạc bộ tại cộng đồng.

Mô hình phát triển theo cụm dân cư (thôn, bản, xóm, tổ dân phố, tiến lên xã, phường, thị trấn) với số lượng có từ 20-50 hội viên/CLB. Mô hình được thực thực hiện và phát huy từ nguồn kinh phí xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ cộng đồng với cơ chế tự quản (các câu lạc bộ bầu ra ban chủ nhiệm câu lạc bộ tự quản dưới sự chỉ đạo của cán bộ dự án).

huu hoa 11

Ngày hội Người cao tuổi được tổ chức ở các địa phương.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng VN đã trực tiếp liên hệ với chính quyền và Hội người cao tuổi ở địa phương, để thành lập các câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe và tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Ban quản lý dự án trực tiếp tuyển chọn và đạo tạo các cán bộ/cộng tác viên tại cộng đồng, qua đó xây dựng quy trình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, từng bước nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc. Đào tạo và tập huấn cho cán bộ và cộng tác viên các kiến thức liên quan về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để hoạt động này diễn ra thiết thực và hiệu quả nhất.

Cụ thể, các nội dung chăm sóc sức khỏe NCT được thực hiện tại nhà, tại câu lạc bộ và tại các cơ sở y tế. Theo đó, NCT chủ động tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, thông qua việc có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, tham gia các hoạt động dưỡng sinh tập thể, đi khám chữa bệnh định kỳ...

 Ý nghĩa và kết quả của dự án chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng

Hiệu quả thiết thực nhất Dự án mang đến đó là tiết kiệm chi phí chi trả hàng năm cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thu nhập bình quân của nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp so với thế giới: Năm 2019 là 2.800 USD chỉ bằng 40% toàn cầu, trong khi đó chi phí cho y tế, khám chữa bệnh ngày một tăng nhanh hiện nay chiếm đến 7-8 % tổng chi ngân sách( báo cáo tổng kết ngày 12/7/2019 của bộ y tế). Đây thực sự là một gánh nặng về tài chính xã hội. Vì thế, nếu phát triển tốt mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, có thể giảm được một phần chi phí đáng kể cho việc khám chữa bệnh, nếu hội viên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ thường xuyên.

Vì mỗi hội viên khi tham gia câu lạc bộ sẽ được hướng dẫn những kiến thức từ những cán bộ có chuyên môn về vấn đề tự phòng bệnh, nâng cao sức khỏe. Và thiết thực hơn nữa, các hội viên câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe được các y, bác sỹ, cán bộ dự án có chuyên môn phối hợp với y tế cơ sở trực tiếp thăm khám sức khỏe định kỳ thông qua các chuyên đề bệnh học. Từ đó Dự án phát triển, góp phần tích cực tiết kiện chi phí y tế cho cộng đồng người cao tuổi và phát huy cao hơn nữa vai trò của người cao tuổi trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện nay có một bộ phận NCT khỏe mạnh là nguồn nhân lực quý giá mà ta chưa biết cách tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp, thì NCT có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tất cả NCT cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế; Họ cần được sống khỏe mạnh và được đóng góp kĩ năng, cũng như kinh nghiệm quý báu của mình cho xã hội. Cần chuyển quan niệm nhận thức “người cao tuổi là gánh nặng” thành”người cao tuổi là tài sản”.

Thực tế, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng VN đã xúc tiến trong những năm gần đây trên một số địa bàn và đạt được những kết quả nhất định: Mô hình chăm sóc sức khỏe NCT thông qua câu lạc bộ tại cộng động đã được triển khai tại 07 tỉnh thành trên cả nước: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đào tạo được gần 100 cán bộ/ cộng tác viên tham gia Dự án: Các cán bộ được đào tạo về các kỹ năng tổ chức, thực hiện các chương trình chăm sóc, truyền thông tư vấn tại cộng đồng; cử đi học chuyên môn y tế về các phương trình khám sàng lọc, tư vấn và điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấn huyệt, vật lý trị liệu...). Thành lập được hơn 3000 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng. Mỗi câu lạc bộ có từ 20-50 hội viên. Tổ chức thành công Ngày hội sức khỏe cộng đồng hàng năm có sự tham gia của các câu lạc bộ trên toàn quốc.

Trong quá trình thực hiện, Hội đã rút ra bài học kinh nghiệm về mô hình, tổ chức thực hiện và dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn quốc, triển khai liên tục trong thời gian dài để góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Công Sóng

comment Bình luận

largeer