Móc họng sau khi uống rượu, coi chừng mất mạng

Nhiều người có thói quen móc họng sau khi uống rượu để có thể tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, trên thực tế đã có trường hợp mất mạng sau khi móc họng xảy ra.
19/10/2020 13:02

Tử vong do móc học giải rượu

Thời gian trước, truyền thông Trung Quốc nổi rần rần thông tin về chú rể chết ngay tại ngày cưới. Cụ thể, vào năm 2019, tại Bệnh viện nhân dân thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam vừa mới kết hôn, chú rể do uống quá nhiều rượu trong ngày cưới dẫn đến bị chóng mặt. Vợ của bệnh nhân cho biết, chồng của mình uống rượu không tốt, nhưng trong ngày vui anh đã uống khá nhiều rượu. Vì không muốn bị say rượu sớm, anh đã vào nhà vệ sinh móc họng để có thể tiếp tục uống rượu.

Tuy nhiên, mãi không thấy chú rể ra ngoài, mọi người đã đi tìm và phát hiện người đàn ông bị ngất trong nhà vệ sinh, trong tư thế dùng tay móc cổ họng. Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, những dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, nhịp thở của nạn nhân đã biến mất.

Trước sự việc xảy ra thực tế này, chúng ta cần cẩn trọng về hành vi móc họng để nôn sau khi uống rượu bởi tính chất nguy hiểm của nó.

Tác hại của móc họng giải rượu

Điều kiện trước tiên để nôn thì phải bảo đảm người đó phải tỉnh táo, dùng ngón tay đưa vào cổ họng, liên tục kích thích, khiến cơ thể sản sinh phản ứng buồn nôn, từ đó đạt mục đích gây nôn.

moc hong

Hinh minh họa.

Phương pháp này đòi hỏi một bác sĩ chuyên nghiệp để thực hiện, nếu tự thực hiện một mình, có rất nhiều rủi ro xảy ra. Nếu móng tay bạn quá dài hoặc là quá sắc và dùng một lực mạnh sẽ khiến cổ họng bị tổn thương. Hơn nữa trong quá trình nôn, người say rượu tinh thần không tỉnh táo hoặc mất ý thức, khí quản rất dễ hít phải chất nôn, từ đó dẫn đến ngạt thở. 

BSCK II Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354) trả lời trên Kiến Thức, nhiều bệnh nhân bị rách, vỡ thực quản gây chảy máu ồ ạt sau khi uống rượu và nôn, thậm chí có trường hợp hôn mê vì mất nhiều máu.

Cũng theo bác sĩ Chung, việc nôn ra máu do rách thực quản còn được gọi là hội chứng Mallory-Weiss. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết thứ phát đường tiêu hóa trên do vết rách dọc niêm mạc ở đường từ thực quản vào dạ dày hoặc ở tâm vị. 

Việc nôn ói có tính cưỡng chế, còn làm tổn thương thực quản, gây viêm loét thực quản, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến chảy máu lớn, tổn thương chức năng tiêu hóa, gây viêm tuyến tụy, cuối cùng có thể mất mạng.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cách giải rượu nhanh và đơn giản cho người say trong trường hợp người say rượu còn tỉnh táo là ăn uống đầy đủ, nhất là các thức ăn chứa nhiều tinh bột, đường. Khi uống rượu mà không ăn gì rất dễ bị hạ đường huyết.

Bệnh có thể phát sinh do tăng áp lực khắp ổ bụng, nôn khan và nôn. Bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu, người già bị rối loạn tiền đình và những người bị nôn, có khi chỉ cần nôn mạnh 1 lần cũng bị. Hội chứng biểu hiện bởi các triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu đen, ngất và đau bụng... 

Theo bác sĩ đông y Hoàng Xuân Đại, chống say rượu bằng cách móc họng cho nôn và uống thật nhiều nước để đi vệ sinh nhiều, thải hết rượu ra chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí về lâu về dài cách này còn vô cùng tai hại với cơ thể. Bởi khi nôn rượu bia ra, các thức ăn cùng men tiêu hóa, dịch vị cũng sẽ ra theo gây mệt mỏi cho cơ thể. 

Ngoài ra, khi nôn nhiều lần, có thể khiến lưỡi bị tổn thương, các cơ trong hệ tiêu hóa co bóp mạnh, có thể xước, chảy máu niêm mạc thực quản, dạ dày. Không những thế, khi nôn lượng cồn đã hấp thụ vào cơ thể sẽ vẫn lưu lại trong khi lượng thức ăn ra ngoài hết nên nếu tiếp tục uống, người ta sẽ mệt mỏi và càng dễ gây tổn thương cho dạ dày. 

Theo bác sĩ Đại, để chống say rượu, chỉ có cách tốt nhất là hạn chế uống, uống vừa phải và trước khi uống cần ăn nhẹ, không để bụng đói.

Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Hà Nội) cho rằng, uống rượu quá đà dẫn tới say gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như ảnh hưởng đến gan, gây mệt mỏi cho cơ thể. Ngoài ra, rượu bia cũng là nguyên nhân dễ gây hay gặp tai nạn nếu điều khiển xe, gây bạo lực, tạo mâu thuẫn trong gia đình...

Việc áp dụng các thủ thuật chống say thực tế cũng chỉ là giải pháp tạm thời và cũng không nên lạm dụng. Các cách như ăn no bụng, uống sữa hay nước lọc... trước khi uống cũng chỉ giúp giảm bớt một phần nhỏ ảnh hưởng của rượu. Vì vậy, theo ông Trung điều cơ bản là mỗi người phải tự kiểm soát bản thân để chỉ uống có giới hạn, kiên quyết từ chối khi bị ép rượu và tốt nhất nên hạn chế uống ở mức càng ít càng tốt.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer