Mỗi năm một kilogam da chết, hàng trăm nghìn ve bụi ấn náu trên giường ngủ của bạn

Chúng ta dành rất nhiều thời gian trên giường ngủ mỗi đêm, có thể là từ 7-8 tiếng mỗi ngày. Nhưng liệu bạn có biết những mối nguy sức khỏe đáng sợ tiềm ẩn trên giường nếu nó không được vệ sinh thường xuyên?
13/10/2020 12:46

Vô số hiểm họa ẩn náu trên giường ngủ bẩn

Giường ngủ sẽ là nơi tích tụ rất nhiều mối nguy cho sức khỏe nếu không được vệ sinh thường xuyên, theo các chuyên gia.

Chuyên gia hô hấp, giáo sư John Blakey đến từ bệnh viện Sir Charles Gairdner ở Tây Úc, nói với tờ Guardian: "Nếu bạn không vệ sinh giường ngủ trong một năm, nó sẽ tích tụ lượng da chết nặng hơn 1 kg".

1 kg da chết và hàng trăm nghìn ve bụi: Hiểm họa không ngờ ẩn náu trên giường ngủ và cách tiêu diệt - Ảnh 1.

 

Giường ngủ là nơi tích tụ rất nhiều mối nguy cho sức khỏe nếu không được vệ sinh thường xuyên.

Tồi tệ hơn, nhiều loại động vật chân khớp (như nhện) sinh sôi mạnh mẽ nhờ da chết, đặc biệt là trên gối vì chúng thích môi trường ẩm ướt.

Blakey nói: "Gối có thể chứa hàng trăm nghìn con mạt bụi (hay còn gọi là ve bụi) và chất thải của chúng".

Đây có thể là nỗi ám ảnh với những người mắc bệnh hen suyễn và dị ứng mạt bụi.

1 kg da chết và hàng trăm nghìn ve bụi: Hiểm họa không ngờ ẩn náu trên giường ngủ và cách tiêu diệt - Ảnh 2.

 

Gối có thể chứa hàng trăm nghìn con mạt bụi.

Cũng theo Blakey, một chiếc gối đẫm mồ hôi còn chứa các vi khuẩn có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật của phổi và dẫn đến nhiễm trùng. Hiểm họa khác đến từ các bào tử nấm gây dị ứng như Aspergillus fumigatus, có thể kích thích hen suyễn. Những bào tử nấm nhỏ này thậm chí còn "ăn" chất thải của mạt bụi để phát triển.

Giường bẩn còn có thể là nơi ở của rệp - tuy không phổ biến nhưng sự xuất hiện của chúng ngày càng gia tăng. Và các vết đốt của rệp có thể bị nhầm với bệnh chàm.

Theo bác sĩ da liễu Steven Shumack từ Viện Da liễu Trung tâm Sydney, Úc, các tình trạng da như chàm và viêm da có thể nên nặng hơn do vi khuẩn ẩn náu trên giường. Các mối nguy khác bám trên ga giường và vỏ gối là tụ cầu khuẩn và ký sinh trùng ghẻ.

Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu được sự cần thiết của vệ sinh chăn ga gối đệm đúng cách và thường xuyên. Nhưng chúng ta nên làm thế nào?

Ga giường, vỏ chăn, vỏ gối

1 kg da chết và hàng trăm nghìn ve bụi: Hiểm họa không ngờ ẩn náu trên giường ngủ và cách tiêu diệt - Ảnh 3.

 

Một chiếc gối đẫm mồ hôi có thể chứa rất nhiều vi khuẩn

Lời khuyên của hầu hết các chuyên gia là nên giặt ga giường, vỏ chăn và vỏ gối mỗi tuần. Blakey nói: "Tôi sẽ hơi lo lắng nếu mọi người không giặt ga giường hằng tuần".

Chỉ giặt nước nóng mới có thể giết chết mạt bụi và nấm. Hội đồng Hen suyễn Quốc gia Úc khuyến cáo nên giặt bằng nước nóng hơn 55 độ C. Nếu không, có thể sấy nóng trong 10 phút hoặc giặt bằng nước lạnh với sản phẩm có chứa dầu tràm trà hoặc dầu khuynh diệp.

Mở cửa sổ phòng ngủ, phơi ga giường và vỏ gối dưới ánh nắng cũng rất tốt. Shumack khuyên những người bị bệnh da liễu nên giặt vỏ chăn ga gối thường xuyên hơn, thêm rằng bàn là cũng có thể giúp khử trùng.

Gối

Viện Quản gia Úc khuyên nên giặt gối 6 tháng một lần. Tuy nhiên, vì gối là nơi tích tụ "mạt bụi và những người bạn", Hội đồng Hen suyễn Úc khuyên bạn nên giặt và phơi khô thật kỹ hằng tháng.

1 kg da chết và hàng trăm nghìn ve bụi: Hiểm họa không ngờ ẩn náu trên giường ngủ và cách tiêu diệt - Ảnh 4.

 

Hội đồng Hen suyễn Úc khuyên bạn nên giặt và phơi khô gối thật kỹ hằng tháng.

Hầu hết các loại gối sẽ có hướng dẫn vệ sinh gắn trên mác, vì vậy tốt nhất là làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhưng nếu bạn đã cắt mác và không nhớ hướng dẫn, gối làm từ sợi tổng hợp và gối lông vũ thường có thể được giặt bằng máy.

Hội đồng Hen suyễn Úc đề xuất thay gối khi mặt gối không còn bóng mịn. Một số nhà sản xuất khuyên thay gối vài năm một lần.

Chăn

Chăn cũng có thể là nơi tích tụ mạt bụi, vì vậy lý tưởng nhất là nên giặt thường xuyên. Nhiều loại chăn yêu cầu giặt khô. Vì vậy, hãy chú ý hướng dẫn của nhà sản xuất.

Mặc dù một số nhà sản xuất khuyến nghị chăn mỗi 5 năm, nhưng không có quy tắc cứng nhắc về điều này. Tuổi thọ của chăn phụ thuộc vào tần suất giặt và cách bạn sử dụng nó.

Đệm

"Nếu bạn không thể nhớ mình mua đệm khi nào, hãy mua một tấm nệm mới", Blakey nói. Chuyên gia cũng khuyên bạn hút bụi đệm bất kể lúc nào hút bụi sàn nhà.

1 kg da chết và hàng trăm nghìn ve bụi: Hiểm họa không ngờ ẩn náu trên giường ngủ và cách tiêu diệt - Ảnh 6.

 

Hút bụi đệm là một cách hiệu quả để làm sạch đệm.

Tuy nhiên, vứt đệm bừa bãi có thể gây ra các vấn đề khác. Đệm là loại rác thải chiếm nhiều diện tích và rất khó gập gọn. Hầu hết các thành phần của đệm, chẳng hạn như gỗ, vải và lò xo… có thể được tái chế.

"Nếu không tái chế những vật liệu này, chúng ta sẽ lãng phí tài nguyên, năng lượng và nước để tạo ra đệm mới", theo Ryan Collins, người đứng đầu các Chương trình Kinh tế tuần hoàn tại Quỹ Môi trường Planet Ark.

Nếu đệm vẫn còn tốt, bạn hãy làm sạch và tái sử dụng nó hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Các biện pháp trên có thể giúp ngăn chặn mạt bụi và các loại vi khuẩn, ký sinh trùng trên giường ngủ. Tuy nhiên, chỉ có vệ sinh sạch sẽ toàn bộ căn nhà mới có thể bảo vệ bạn và gia đình hoàn toàn. Đừng quên ghế sofa, thảm, ghế làm việc. "Chỉ một chiếc giường sạch thôi chưa đủ để giúp bạn phòng ngừa tất cả", Blakey nói.

Theo PLBĐ

comment Bình luận

largeer